Một vụ hỏa hoạn xảy ra những người dân đang có cuộc sống yên ổn bỗng dưng không nhà cửa, không đồ dùng vật dụng. Họ hoảng hốt, lo sợ và thiếu thốn…. Một người phụ nữ trốn thoát từ một bị mua bán qua biên giới, bị mất giấy tờ tùy thân, thất nghiệp, không còn tiền để sinh sống,… Và rất nhiều người trong hoàn cảnh khó khăn hoặc có vấn đề cần được giải quyết khác sẽ có câu trả lời, sẽ có được con đường cho mình nếu một nhân viên công tác xã hội tiếp cận được với họ. Nghề công tác xã hội được coi là nghề của “lòng tốt”, nghề của sự “sẻ chia” và nhân lên những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được những điều cơ bản về nghề Công tác xã hội.
Công tác xã hội là gì?
Có nhiều định nghĩa khác nhau về Công tác xã hội (CTXH) nhưng nhìn chung, CTXH được xem như là một nghề mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia từ gần thế kỷ nay. CTXH tồn tại và hoạt động khi xuất hiện những vấn đề cần giải quyết như tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng giới, và giúp đỡ những thành phần dễ bị tổn thương như trẻ mồ côi, người tàn tật, trẻ đường phố, trẻ bị lạm dụng…
Theo đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ: CTXH góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người, hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân trong xã hội, hướng tới một xã hội lành mạnh, công bằng, hạnh phúc cho người dân và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.
Như vậy, có thể hiểu Công tác xã hội là một nghề trợ giúp chuyên nghiệp (chứ không phải thích thì làm không thích thì thôi) đã có lịch sử lâu đời được thế giới và Việt Nam công nhận là một nghề cần thiết cho một xã hội văn minh, hiện đại.
Mục đích của Công tác Xã hội
– Trợ giúp con người, cộng đồng giải quyết, đối phó với các khó khăn trong cuộc sống.
– Tìm ra những điểm mạnh và phát huy tiềm năng của các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong giải quyết vấn đề.
– Nối kết con người với các nguồn lực và hệ thống các dịch vụ xã hội.
– Thúc đẩy các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ và nguồn lực cho con người hoạt động có hiệu quả và mang tính nhân văn.
– Phát triển và cải thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Người làm CTXH không phải là mang cho người đang khó khăn “con cá” mà giúp họ có được cái “cần câu” và “cách câu” để tự đứng trên đôi chân của mình và tạo ra được sự phát triển bền vững.
Đối tượng của ngành công tác xã hội
Đối tượng người làm công tác xã hội trợ giúp có thể là :
- Một cá nhân: trẻ em khó khăn học tập, trẻ bị xâm hại tình dục, phụ nữ bị bạo hành gia đình,…
- Một nhóm: một gia đình, một lớp học, một câu lạc bộ,…
- Một cộng đồng của : những người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam, trẻ mồ côi, người nghiệm ma túy,…
Tùy từng vai trò nhiệm vụ cụ thể ở các cơ quan, công việc của người làm trong lĩnh vực CTXH có thể làm một hoặc kết hợp các hoạt động: dự phòng, truyền thông, can thiệp, phục hồi – chữa trị, vận động chính sách, phát triển cá nhân hoặc cộng đồng…
Vai trò một nhân viên công tác xã hội
Một người làm công tác xã hội có thể thực hiện các vai trò cơ bản sau :
+ Người tạo khả năng: Giúp đối tượng (thân chủ) có khả năng đương đầu với tình huống hay áp lực quá độ. Nhân viên Công tác Xã hội truyền tải sự hy vọng, giảm bớt sự cản trở và mâu thuẫn, phát hiện và quản lý cảm xúc nhận diện và củng cố năng lực đối tượng cũng như khả năng tiếp cận xã hội.
+ Người hoà giải : Giúp thân chủ giải quyết những tranh luận, xung đột tầm cỡ vi mô, trung mô hay liên quan tới hệ thống vĩ mô.
+ Người hợp nhất/điều phối: Một nhân viên Công tác Xã hội có thể thực hiện chức năng như một người hợp nhất hay điều phối theo những cách có thể, sắp xếp trật tự từ việc biện hộ và nhận diện sự điều phối các cơ hội để cung cấp sự hỗ trợ chuyên môn có liên quan trực tiếp đến sự phát triển và thi hành các sự liên kết với các dịch vụ
+ Người quản lý: triển khai chương trình, điều phối hoạt động hướng đến đạt được những thành tựu từ những mục tiêu đã được thiết lập và quản lý, tiếp cận, tạo sự thay đổi cần thiết trong quá trình xây dựng nhằm nâng cao tính hiệu quả và tính khả thi.
+ Người giáo dục: Vai trò giáo dục liên quan đến việc cung cấp thông tin, dạy các kỹ năng cho thân chủ và các hệ thống khác.
+ Người phân tích/ lượng giá: Nhân viên Công tác Xã hội với nền tảng kiến thức lớn về sự đa dạng của chức năng hệ thống có thể phân tích hay lượng giá xem chương trình hay hệ thống làm việc tốt ra sao. Họ còn có thể lượng giá hiệu quả sự can thiệp của họ.
+ Người môi giới: Một người môi giới có thể giúp kết nối các khách hàng (cá nhân, nhóm, tổ chức hay cộng đồng) với những dịch vụ hay nguồn lực cộng đồng.
+ Người biện hộ: Người biện hộ là người thay mặt cho cá nhân nhóm hay cộng đồng đứng lên đấu tranh, vận động bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm cho cá nhân, nhóm hay cộng đồn.
Những yêu cầu đối với người làm công tác xã hội
* Về kiến thức: Để thực hiện được vai trò của một người làm CTXH thì SV CTXH cần được trang bị các kiến thức về Tâm lý học; Các vấn đề xã hội như dân số, gia đình, văn hóa, dư luận xã hội, truyền thông, kiến thức về pháp luật, đạo đức học,…
* Về kỹ năng: Người làm CTXH cần được đào tạo và thực hành tốt các phương pháp công tác xã hội cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng ; các kỹ năng chuyên môn như : phân tích, tổng hợp dữ liệu, tổng hợp ý kiến tập thể, vận dụng những thành tựu mới của khoa học vào thực tiễn ; Ngoài ra, các kỹ năng mềm như : kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề,… cũng hết sức cần thiết cho công việc CTXH.
* Về thái độ: Là một ngành trợ giúp, người làm CTXH cần tuân thủ đạo đức xã hội và đạo đức riêng của ngành nghề như: tôn trọng phẩm giá con người, tin tưởng vào tiềm năng của thân chủ, bình đẳng, trung thực,…
Chương trình đào tạo 4 năm với các hệ thống các môn học cơ cở và chuyên sâu, cùng với sự nỗ lực học tập của SV, Trường Đại học Tân Trào cam kết SV đạt được những yêu cầu về nghề nghiệp nói trên.
Nhu cầu xã hội về nghề công tác xã hội
Theo báo Giáo dục và Thời đại để đạt được tỷ lệ 1 cán sự công tác xã hội (CTXH) chuyên nghiệp/10.000dân, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ cần đội ngũ khoảng 8500 người làm công tác này trong các cơ quan Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Phó cục trưởng cục bảo trợ XH, Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 40% dân số, trong đó 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 12% số hộ gia đình nghèo, hơn 180.000 người nhiễm HIV được phát hiện, gần 170.000 người nghiện ma túy, hơn 15.000 người bán dâm, khoảng 1,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước; 22% gia đình có bạo lực và 21,1% phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ khác nhau…
Với mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam; xây dựng đội ngũ cán bộ ngành CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu chất lượng góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Theo đó, với tổng kinh phí thực hiện 2.347,4 tỷ đồng. Một mục tiêu đề án là mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định. Giai đoạn 2016-2020 có nhiệm vụ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên CTXH theo các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và theo nhóm đối tượng. Phát triển đội ngũ cán bộ viên chức ở các cấp, phấn đấu tăng khoảng 50%, hỗ trợ nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ CTXH ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Tham khảo:
1. Bùi Thị Xuân Mai, Giáo trình nhập môn Công tác xã hội, Trường Đại học Lao động – Xã hội, NXB Lao động – Xã hội, năm 2010.
2. //www.langson.gov.vn/node/49230: Nghề công tác xã hội - Nhu cầu và xu hướng phát triển ở Việt Nam
3. .
4.
Nguyễn Chính (Khoa Tâm lý – Giáo dục)