Trong thời đại ngày nay, công tác thông tin nói chung và thông tin thư viện nói riêng có một tầm quan trọng đặc biệt và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Việc khai thác hiệu quả thông tin đã trở thành một trong những nhân tố hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của bất kỳ một quốc gia nào. Thư viện là cầu nối giữa thông tin và người sử dụng. Thư viện là một yếu tố căn bản và quan trọng, là thước đo đánh giá vai trò, chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả đào tạo của đại học và không thể tách rời trường đại học với thư viện.
Trung tâm Thông Tin – Thư viện Trường Đại học Tân Trào được thành lập trên cơ sở sát nhập bộ phận Quản lý Tạp chí Truyền thông và Thư viện ngày 01/11/2015 theo Quyết định số 2012/QĐ-ĐHTTr của Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào. Từ đó đến nay Trung tâm Thông Tin – Thư viện không ngừng lớn mạnh và giành được sự quan tâm, yêu mến của cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường.
Thư viện là nơi cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho người đọc phát triển toàn diện, đặc biệt là tư duy sáng tạo, góp phần giúp nhà trường hoàn thành sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Thư viện Trường Đại học Tân Trào hiện nay có 5058 đầu sách, 180588 bản sách, hơn 1000 tài liệu điện tử được cập nhật định kỳ, phòng truy cập dữ liệu, phòng đọc sách được trang bị điều hòa, đầy đủ ánh sáng theo tiêu chuẩn, phục vụ việc giảng dạy, học tập của giảng viên, sinh viên, học sinh.
Một góc Thư viện Trường Đại học Tân Trào
Thư viện là trái tim của trường Đại học bởi vậy nó đóng vai trò rất quan trọng đóng góp vào việc đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thông tin của người sử dụng.
Ở môi trường Đại học, thư viện trở thành một trong những nơi cung cấp tri thức hiệu quả nhất cho giảng viên và sinh viên. Thư viện lưu trữ và bổ sung, cập nhật những thông tin, giáo trình, tài liệu tham khảo, các tư liệu điện tử,… phục vụ cho hoạt động tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu khoa học của sinh viên; mở rộng điều kiện học tập cho sinh viên cả về không gian, thời gian. Chính vì vậy, nó được coi là nơi cung cấp nền tảng kiến thức cho công tác đào tạo, nghiên cứu, các hoạt động phát triển khoa học công nghệ và đó là trái tim tri thức của một trường Đại học. Với phương pháp giảng dạy và học tập mới mỗi sinh viên cần phải coi thư viện là “giảng đường thứ hai” thì mới có thể hoàn thành được những yêu cầu về khối lượng cũng như chất lượng kiến thức của các môn học. Trường Đại học Tân Trào đã và đang chú trọng công tác xây dựng thư viện để thư viện trường đại học thật sự là nguồn cung cấp thông tin tài liệu phong phú và chất lượng đồng thời cũng là nơi thư giản, giải trí cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường.
Một góc Thư viện Trường Đại học Tân Trào
Trong Trường Đại học Tân Trào, hoạt động khai thác thông tin đóng vai trò tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Để dạy và học có hiệu quả cao thì việc tăng thời gian tự học của sinh viên với sự trợ giúp của thư viện là điều hết sức cần thiết. Có thể nói rằng thư viện Nhà trường có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện tính độc lập, sáng tạo của sinh viên. Sinh viên phải học một cách thông minh hơn, chủ động hơn qua việc phân tích, tổng luận những tài liệu tra tìm được ở thư viện. Từ đó sẽ xóa bỏ lối học thụ động, khuyến khích việc tự học, tự nghiên cứu, kích thích sự chủ động của sinh viên. Thư viện chính là điểm đến của sinh viên có thái độ học tập đúng đắn.
Phòng đọc sách
Phòng truy cập dữ liệu
Thư viện trước đây chỉ là nơi chứa sách, cho bạn đọc tìm kiếm, tìm đọc. Thư viện bây giờ ngoài việc cung cấp thông tin nó còn có những chức năng là một trung tâm văn hóa, thông tin, và sinh hoạt cộng đồng. Mô hình thư viện mở, thân thiện với người đọc mà nhiều trường đại học xây dựng đã làm thay đổi nhận thức và thói quen của sinh viên, giảng viên đối với việc đọc sách và tổ chức các hoạt động trong không gian thư viện. Thư viện Trường Đại học Tân Trào đang dần trở thành một không gian sáng tạo cho cả sinh viên và giảng viên. Bằng việc tổ chức nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ, tổ chức các sự kiện như: ngày sách Việt Nam, các buổi hội thảo, thông tin chuyên đề, các hoạt động văn hóa đọc... thư viện từng bước đã trở thành nơi mang chức năng giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và làm việc, giao lưu và hợp tác cho tất cả mọi đối tượng.
Tin và ảnh: Trần Thị Huyền Trang - CLB Truyền thông