Sử dụng thời gian để làm việc, học tập một cách khoa học sẽ giúp mỗi người hoàn thành được những mục tiêu của bản thân và góp phần thực hiện các mục tiêu lớn của tập thể.
Hiện nay, có không ít bạn trẻ chưa thực sự trân trọng quỹ thời gian của mình và của người khác, sử dụng thời gian cho công việc chưa hiệu quả. Một trong những biểu hiện có thể thấy rõ nhất là lãng phí thời gian. Đến trường, đến nơi làm việc, tham dự các buổi sinh hoạt tập thể muộn là lãng phí thời gian. Học sinh, sinh viên trốn tiết, bỏ giờ, thậm chí, ngồi trong lớp nhưng không chú ý vào bài học, làm việc riêng cũng là lãng phí thời gian… Đến kỳ nghỉ, thay vì tham gia các hoạt động xã hội thì nhiều bạn lại lựa chọn cách ngồi hàng giờ trước máy vi tính chỉ để tán chuyện, chơi điện tử.
Những năm gần đây, ngày càng nhiều học sinh sau khi không trúng tuyển vào trường đại học đúng nguyện vọng của mình đã sẵn sàng bỏ ra 1 năm “học tạm” tại một trường cao đẳng, đại học nào đó để “chữa cháy”, chờ cơ hội thi lại hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đây là một trong những biểu hiện đáng buồn về cách ứng xử với thời gian của nhiều thanh niên hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ còn sử dụng, phân chia thời gian không hợp lý, ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả công việc. Đó là tình trạng “ngày ngủ, đêm thức”, “giờ này, việc nọ”, làm việc mà không tập trung… Ngoài ra, không ít thanh niên chỉ quen hưởng thụ, sử dụng hầu hết quỹ thời gian vào việc tụ tập, quán xá mà quên đi trách nhiệm học tập của mình và cống hiến cho cộng đồng. Tình trạng này diễn ra thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của cá nhân, tập thể mà còn tác động tiêu cực lối sống, khả năng phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết tập thể của thanh niên.
Tiết kiệm thời gian là một trong những bài học về chữ “Kiệm” mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm giáo dục cho chiến sỹ, đồng bào, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bác Hồ thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm; tiết kiệm sức lao động, tiền bạc, đặc biệt là tiết kiệm thời gian. Với Bác, đức tính tiết kiệm thời gian là rất quý báu, Người luôn quý trọng, sử dụng hiệu quả thời gian bằng cách sắp xếp kế hoạch cụ thể, chi tiết để sao cho không bị lãng phí thời gian một cách vô ích. Người luôn cần mẫn tận dụng thời gian làm việc.
Tiết kiệm thời gian của Bác không chỉ là tiết kiệm cho mình, trong các cuộc họp, gặp mặt… mà còn không để lãng phí thời gian cho mọi người. Câu chuyện về tiết kiệm thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều, có thể lấy một ví dụ nhỏ để minh chứng. Vào năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khoá V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”. Biết tôn trọng thời gian, biết sử dụng thời gian hợp lý, có mục đích không chỉ hữu ích cho mỗi người mà còn để thế hệ trẻ thực hiện trách nhiệm của mình đối với những mục tiêu cao cả của cộng đồng, nhất là trong bối cảnh hiện nay đất nước ta đang tập trung mọi nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hơn nữa, cách ứng xử với quỹ thời gian cũng là một thước đo về sự lành mạnh trong lối sống hiện đại và trình độ hiểu biết, sự tôn trọng bản thân, người khác cũng như ý thức tập thể của mỗi cá nhân. Do đó, cùng với việc giáo dục thanh niên ý thức tiết kiệm của cải, lao động thì giáo dục về cách ứng xử với quỹ thời gian cũng rất quan trọng.
Các cấp bộ Đoàn, nhà trường và gia đình đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng nhận thức, tuyên truyền và giáo dục thanh niên. Trong đó, cần coi trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lối sống của Bác thông qua những bài học đạo đức của Người dành cho thanh niên, hướng tới xây dựng và hoàn thiện những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam trong thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Trần Thái Học (Theo moitruong.net.vn)