Ngày 28/7/1929, tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam; là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân đi dưới ngọn cờ cách mạng vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong 91 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp; trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nguồn ảnh: Internet
Trong thời kỳ cách mạng, Công đoàn có vai trò là trường học đấu tranh giai cấp, Công đoàn vận động, tổ chức công nhân, lao động đấu tranh chống lại giai cấp tư sản, bảo vệ quyền, lợi của công nhân, lao động. Cuộc đấu tranh của Công đoàn ngày càng phát triển, từ đấu tranh kinh tế sang đấu tranh chính trị với mục đích lật đổ giai cấp thống trị xoá bỏ chế độ người bóc lột người, giành chính quyền về tay giai cấp công nhân.
Ngày nay, trong điều kiện nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của Công đoàn Việt nam ngày càng khẳng định.
Luật Công đoàn đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua (tại kỳ họp thứ 7 khoá VIII ngày 30/6/1990) khẳng định: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, là trường học Chủ nghĩa xã hội của người lao động”.
Vai trò của Công đoàn Việt Nam ngày càng được mở rộng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sự mở rộng vai trò Công đoàn là phù hợp với tính tất yếu, khách quan, tính qui luật vận động và phát triển của tổ chức Công đoàn, nó phù hợp với qui luật chung của quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Thực tế, trong chặng đường lịch sử của đất nước những năm qua, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng, thể hiện rõ vai trò của mình đối với xã hội, Công đoàn đã thu hút, vận động giáo dục, tổ chức công nhân, viên chức và lao động tham gia tích cực vào công cuộc cách mạng. Trong các lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá và tư tưởng), Công đoàn đã tỏ rõ sự tham gia tích cực, tác động mạnh mẽ của mình thông qua hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, ngành, cơ sở, thông qua lực lượng đoàn viên, công nhân, viên chức và lao động đã đạt được những thành tựu to lớn góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Cụ thể, trong lĩnh vực Chính trị: Công đoàn có vai trò to lớn trong việc góp phần xây dựng và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa. Tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực thi pháp luật và để Nhà nước thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Trong lĩnh vực Kinh tế: Công đoàn tham gia xây dựng hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế nhằm xoá bỏ quan liêu, bao cấp, củng cố nguyên tắc tập trung trên cơ sở mở rộng dân chủ. Góp phần củng cố những thành tựu kinh tế văn hoá và khoa học kỹ thuật đã đạt được trong những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, liên kết và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển có lợi cho quốc kế dân sinh. Đẩy mạnh Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước, từng bước đưa kinh tế tri thức vào Việt Nam, góp phần nhanh chóng hội nhập với khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc đẩy mạnh hoạt động của các thành phần kinh tế vẫn đảm bảo cho kinh tế quốc doanh giữ vị trí then chốt, đóng vai trò chủ đạo.
Trong lĩnh vực Văn hoá - tư tưởng: Trong nền kinh tế nhiều thành phần Công đoàn phát huy vai trò của mình trong việc giáo dục công nhân, viên chức và lao động nâng cao lập trường giai cấp, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động, phát huy những giá trị cao đẹp, truyền thống văn hoá dân tộc và tiếp thu những thành tựu tiên tiến của văn minh nhân loại góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Trong lĩnh vực Xã hội: Công đoàn có vai trò trong tham gia xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tính tổ chức kỷ luật, trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật, có nhãn quan chính trị, thực sự là lực lượng nòng cốt của khối liên minh công - nông - trí thức, làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, là cơ sở vững chắc đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng và tăng cường sức mạnh của Nhà nước.
91 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; đã vận động, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động dưới ngọn cờ cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để có những đóng góp to lớn trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tổ chức và vận động công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Với gần 400 đoàn viên, người lao động, Công đoàn cơ sở Trường Đại học Tân Trào hiện nay là một trong những đơn vị có số lượng đoàn viên và người lao động lớn trong khối các công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh Tuyên Quang. Thực hiện sự chỉ đạo của công đoàn cấp trên và Đảng ủy Trường Đại học Tân trào, trong thời gian qua, công đoàn cơ sở Trường Đại học Tân Trào đã thực hiện tốt các kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là nhiệm vụ phối hợp với chính quyền chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động trong toàn trường.
Tổng hợp internet