Hiện nay có rất nhiều sinh viên đến các trung quán ăn, cửa hàng quần áo, rạp chiếu phim tìm cho mình một công việc bán thời gian với rất nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu là kiếm thêm ít tiền gánh vác các khoản chi tiêu. Có thể coi đó là nhu cầu cần thiết của các bạn sinh viên vốn được coi là những người bị mắc căn bệnh trầm kha "viêm màng túi", nhưng cái gì cũng có 2 mặt của nó.
Sinh viên làm thêm tại rạp chiếu phim Lotte cinema Tuyên Quang (Ảnh: Bùi Tuyền) Về mặt tích cực, có thể coi công việc ngoài giờ của sinh viên là một môi trường học tập mà nhà trường không thể giảng dạy cho các em. Làm thêm ngoài giờ, sinh viên được giao tiếp rộng hơn bên ngoài xã hội, điều này giúp cho họ có thêm sự tự tin và mạnh mẽ, rất có ích cho cuộc sống sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, sinh viên có thể rèn luyện thêm những kỹ năng mà họ đã được học trên giảng đường nhưng chưa có dịp thực hành.
Sinh viên làm việc tại Lotte cinema Tuyên Quang đang bán vé cho các em học sinh tới rạp xem phim
(Ảnh: Đức Tân)
Ví dụ như sinh viên nghành truyền thông làm nhân viên trong một số nhà hàng, quán ăn sẽ có cơ hội giao tiếp với nhiều người. Trong quá trình làm việc, họ có thể thực hành luôn khả năng nghe nói và giao tiếp luyện cho bản thân sự tự tin. Hay như sinh viên trong các ngành kinh tế chẳng hạn, họ sẽ hiểu biết hơn về tâm lý khách hàng, cách điều hành của các ông chủ sao cho đem lại hiệu quả nhất… Và một điều nữa là hầu hết sinh viên đều rảnh rỗi sau nửa ngày học ở trường, vì thế nhiều sinh viên tìm cho mình một công việc bán thời gian, không chỉ giúp cho họ có thêm một khoản chi tiêu mà còn hữu ích hóa thời gian rảnh rỗi, tránh "nhàn cư vi bất thiện".
Nhưng như đã nói, cái gì cũng có 2 mặt. Mặt tiêu cực không phải là ít. Chưa nói đến việc nhiều cửa hàng có nhiều mánh khóe khi có rất nhiều sinh viên nhẹ dạ cả tin dẫn đến tiền mất tật mang.
Sinh viên ngủ gật trong các giờ học trên giảng đường (Ảnh: nguồn intrenet)
Công việc ngoài xã hội không hề đơn giản như nhiều người nghĩ hay lãng mạn như trong phim Hàn Quốc mà giới trẻ hay xem. Công việc đòi hỏi cường độ rất cao (chưa nói là khắc nghiệt) mà lương thì vô cùng sinh viên. Với cường độ lao động như vậy, họ có thể nằm lăn ra ngủ khi về nhà trọ hay ngủ gật trên giảng đường, bài vở vì thế cũng đành phải xếp sau. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân mà số sinh viên phải thi lại, học lại không phải là con số nhỏ. Nhưng cái nguy hiểm nhất chính là những mối hiểm họa bên ngoài xã hội mà không phải sinh viên nào cũng biết được (hoặc có biết được nhưng khó có thể tránh) - những cám dỗ vật chất! Nó có thể làm cho người ta tự đưa chân mình vào vũng bùn lúc nào không hay...
Những nhận xét ở trên chỉ là tương đối bởi vì thực tế có rất nhiều sinh viên sắp xếp thời gian cho việc học và việc làm hợp lý. Không những họ hạn chế được rất nhiều mặt trái của công việc bán thời gian, mà còn thúc đẩy việc học ngày một tốt hơn. Đó có thể coi là những sinh viên năng động của thế hệ mới.
Tập thể lớp đang chú ý nghe bài thuyết trình (Ảnh: Đức Tân)
Tìm cho mình một công việc ngoài giờ là rất nên vì những mặt tích cực ai cũng có thể nhận ra, nhất là những sinh viên có hoàn cảnh điều kiện khó khăn nhưng bên cạnh đó nên ghi nhớ:
- Công việc chính của bạn vẫn là học tập: Công việc làm thêm không giúp bạn đi đến mục tiêu mà bạn muốn hướng tới, có chăng chỉ là một trong những điều kiện để giúp tiến gần hơn tới tương lai. Chỉ có việc học ở giảng đường và với tấm bằng tốt nghiệp mới là hành trang để bạn bước tiếp.
- Bạn phải sắp xếp thời gian thật hợp lý (không dễ chút nào): Rất khó có thể dung hòa được cả công việc và học tập. Nhưng nên nhớ bạn phải ưu tiên cho việc học và thời gian nghỉ ngơi trong thời gian biểu của bạn.
- Nên tạm dừng công việc khi kỳ thi sắp đến: Bạn thử đặt lên bàn cân giữa một bên là công việc không có tương lai với mức lương vài trăm ngàn với một bên là kỳ thi có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai sau này của bạn.
Sinh viên Đức Tân - Lớp ĐH Văn Truyền thông K2