Hội thảo khoa học “Văn hoá và ngôn ngữ trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á” dưới góc nhìn của các nhà khoa học
Ngày 09/09/2016 vừa qua, mobile 365 bet
chủ trì phối hợp với Trường Đại học Sakon Nakhon Rajabhat (Thái Lan) và Trường Đại học Văn hoá Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Văn hóa và ngôn ngữ các dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á”.
Hội thảo là kết quả của một quá trình chuẩn bị và hợp tác giữa Trường Đại học Tân Trào, Trường Đại học Sakon Nakhon Rajabhat và Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giảng viên giảng dạy các chuyên ngành văn hoá và ngôn ngữ, dân tộc học nhằm công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc các Trường đại học, các Viện và Trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước; tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật. Từ đó đề xuất các ý tưởng, đưa ra những kiến giải, những hướng đi, những giải pháp hữu hiệu, giúp các nhà quản trị đất nước vận dụng trong quá trình hội nhập.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, Thái Lan, Australia, Philippines và Lào cùng các nghệ nhân dân gian đã có các nghiên cứu tâm huyết về vấn đề này. Những thu hoạch tại Hội thảo đã làm rõ thêm về sự giao thoa giữa văn hoá và ngôn ngữ các dân tộc giữa các nước Đông Nam Á, đồng thời một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu, lưu giữ và bảo tồn cũng như phát huy bản sắc văn hoá, ngôn ngữ các dân tộc của các nước Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung.
Hơn một tháng sau khi Hội thảo kết thúc, nhưng dư âm và ấn tượng đọng lại đối với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các tác giả, khách mời tham dự Hội thảo vẫn còn rất sâu sắc. Đã có rất nhiều phản hồi tích cực, cũng như những ý kiến đóng góp về các vấn đề thảo luận tại Hội thảo được gửi cho Ban Tổ chức. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ xin phép được đề cập đến và đi sâu vào nhận xét của hai nhà khoa học đầu ngành về Lịch sử, Văn hoá và Ngôn ngữ Việt Nam đó là Giáo sư Sử học Lê Văn Lan và Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Mai Ngọc Chừ.
GS. Lê Văn Lan là một trong những người sáng lập Viện Sử học Việt Nam, ông nhiều năm làm cố vấn lịch sử cho các chương trình, chuyên mục truyền hình, báo chí và có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đóng góp lớn cho chuyên ngành Lịch sử và Văn hoá Việt Nam.
Gặp lại Giáo sư sau hơn một tháng kết thúc Hội thảo, ông đã có những chia sẻ cởi mở cũng như nhận xét, đánh giá khách quan về Hội thảo. Trước hết, Giáo sư hết sức ấn tượng về chủ đề mới lạ của Hội thảo. Giáo sư chia sẻ: "Có thể nói đây gần như là Hội thảo khoa học Quốc tế đầu tiên mang nền tảng cơ tầng, bản sắc của một vùng miền núi non và các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa, đây là một Hội thảo do một trường Đại học ở miền núi phía Bắc chủ trì. Bản sắc văn hóa vùng miền nước Việt đa sắc tộc đã được hiện thực hoá ở Hội thảo này, làm nền tảng cho sự mở rộng các ý tưởng, các suy nghĩ, các kết quả khoa học từ miền núi phía Bắc Việt Nam mở ra tới thế giới".
Về công tác tổ chức và cách thức triển khai Hội thảo làm cho ông "hết sức bất ngờ bởi một trường Đại học mới thành lập, so với các trường Đại học khác ở khu vực lân cận, Đại học Tân Trào vừa trẻ trung, vừa mới mẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, nên việc tổ chức một Hội thảo khoa học mang tầm quốc tế là điều không đơn giản".
Khi thấy quy mô, trình độ và đặc biệt là kết quả về mặt nội dung, một lần nữa Giáo sư rất bất ngờ. "177 bài tham luận của nhiều tác giả trong nước và quốc tế gửi đến Hội thảo là một khối lượng bài viết khá đồ sộ nhưng trường đại học Tân Trào đã biết cách chọn lọc, biên tập, sắp xếp các bài viết đó ở cả hai dạng toàn văn và tóm tắt bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, phân những bài viết ấy vào trong ba chuyên đề lớn: Văn hoá, Ngôn ngữ, Nôm - Tày một cách gọn gàng, có chiều sâu khoa học, bài bản, thiết thực".
Giáo sư Lê Văn Lan đặc biệt lưu tâm tới tiểu ban Nôm - Tày: "Ở đây các vấn đề được đặt ra đều thiết thực, cụ thể, có chiều sâu và quan trọng là khả năng ứng dụng trong thực tế. Không nhiều Hội thảo đạt được chất lượng khoa học như Hội thảo tổ chức tại Đại học Tân Trào. Có những Hội thảo quy mô rất lớn, tốn kém, công phu nhưng thu hoạch về chất lượng còn sơ sài, nhiều chỗ lý thuyết hàn lâm, khả năng ứng dụng trong thực tế không nhiều. Nhưng Hội thảo ở Đại học Tân Trào thì tuyệt đối đã tránh được hình thức, khoa trương, sáo rỗng, hoặc là lý thuyết xuông". Một cách khách quan và công tâm nhất Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đánh giá: "Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hoá và ngôn ngữ trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á” do Đại học Tân Trào chủ trì tổ chức đã thành công về mọi mặt".
Tiếp đến, không thể không nhắc đến ý kiến nhận định của GS.TS Mai Ngọc Chừ. Giáo sư Mai Ngọc Chừ là một trong những giáo sư đầu ngành về ngôn ngữ học, đồng thời là một chuyên gia về văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa Đông Nam Á. Giáo sư đánh giá: "Trường Đại học Tân Trào đã tổ chức được một Hội thảo khoa học quốc tế thành công toàn diện".
Cũng như Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, GS.TS Mai Ngọc Chừ đặc biệt ấn tượng và đánh giá cao việc chọn chủ đề của Hội thảo. Ông cho biết: "Hiện nay ngôn ngữ và văn hóa giữa các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á là vấn đề mang tính thời sự, nóng hổi, được các nhà khoa học từ xưa đến nay chú ý đến rất nhiều. Trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, hội nhập khu vực và nhất là Asian trở thành một cộng đồng, việc đặt vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc trong sự liên kết các quốc gia Đông Nam Á là rất trúng. Xung quanh vấn đề về ngôn ngữ và dân tộc từ trước đến nay cũng có rất nhiều Hội thảo, nhưng thường chỉ đặt vấn đề trong phạm vi quốc gia còn Hội thảo lần này đặt trong phạm vi Đông Nam Á, đó chính là điểm mới và rất hay. Đặc biệt, Hội thảo có một nội dung riêng và rất đặc trưng của Tuyên Quang đó là vấn đề Nôm Tày. Đây là vấn đề rất đặc sắc và riêng biệt".
Giáo sư đánh giá cao về sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, khoa học, công phu của Ban tổ chức, cũng như hàm lượng khoa học của các báo cáo được trình bày và cả những báo cáo được in trong Kỷ yếu. "Mục tiêu, mục đích của Hội thảo rất suôn sẻ và thành công tốt đẹp. Kỷ yếu của hội thảo dày, in trang trọng, rất ít lỗi kỹ thuật".
Cũng theo Giáo sư, "Với một trường Đại học trẻ như Đại học Tân Trào việc tổ chức một Hội thảo khoa học quốc tế mang giá trị khoa học, có tiếng vang lớn không chỉ ở trong nước mà còn cả ở quốc tế như vậy là điều khiến không chỉ riêng tôi mà tất cả các khách mời tham dự đều bất ngờ, ấn tượng, nể phục".
GS.TS chỉ hóm hỉnh "phê bình": "Tiếc là thời gian Hội thảo hơi ngắn, nếu như có thời gian dài hơn thì các nhà khoa học quốc tế sẽ có nhiều chia sẻ về kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật, đóng góp ý kiến nhiều hơn nữa cho Hội thảo".
Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hoá và ngôn ngữ trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á” đã kết thúc nhưng tiếng vang và dư âm của Hội thảo vẫn còn. Đây chính là nền tảng, là bước đệm quan trọng để Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên trường Đại học Tân Trào tích cực hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học, tiếp tục cho ra đời nhiều sản phẩm khoa học phong phú, đa dạng, có giá trị và hiệu quả xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để hội nhập với khu vực và thế giới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để giáo dục cho sinh viên trường Đại học Tân Trào nói riêng và thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước nói chung biết quý trọng và giữ gìn ngôn ngữ, văn hoá, bản sắc của dân tộc mình. Chúng tôi xin được thay cho lời kết bài viết này bằng bài thơ của Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam, một trong những đại biểu tâm huyết với Hội thảo khoa học lần này, ngay sau khi dự phiên toàn thể và tham luận tại Tiểu ban 2 "Ngôn ngữ các dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á", ông đã viết:
VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỚI BAO ĐIỀU TRĂN TRỞ
(Những gì chúng ta cần làm cho ngôn ngữ dân tộc hôm nay)
Tiểu ban chúng tôi có bao nhiều điều để nói
54 dân tộc Việt Nam cùng chung một mái nhà
Những ngôn ngữ dân tộc hôm nay đang dần dần mai một
Bức tranh đa dạng cộng đồng nhạt dần trong những tháng năm qua
Nhìn sang Philippin, Malaysia, Indonesia và cả Trung Hoa...tình hình tương tự
Tiếng Philippinno song song đồng hành cùng với tiếng Anh
Người Malayo cùng nỗi buồn với bao dân tộc khác
Giữ gìn bản sắc ngôn từ hôm nay không còn là nhiệm vụ của riêng mình
Vấn đề đặt ra với bao điều trăn trở
Bao thế hệ con em cứ dần xa tiếng mẹ đẻ hôm nào
Nào người Thái, người Tày, người Mông, người Katu, người Poọng...
Biết bao cộng đồng cứ tự từ bỏ ngôn ngữ dân tộc mình là cớ sao?
Thái độ ngôn ngữ gia đình, giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường là vẫn đề số một
Các thế hệ con em cần phải biết yêu tiếng nói dân tộc mình
Ta phải biết tự cứu ta trước khi trời cứu
Biết tưới suối mát tận nguồn thì rừng sẽ lên xanh
Những vấn đề đặt ra là cần và cấp bách
7 tham luận Tiểu ban 2 cùng vang lên tiếng nói chung lòng
Cuộc gặp mặt Đại học Tân Trào đáng ghi vào lịch sử
Nào ta cùng hát lên bài ca chung sức chung lòng từ Hội thảo hôm nay