mobile 365 bet Bấm để vào nền tảng giải trí

Kỷ niệm hành trình về nguồn
 
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9, hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng long - Hà nội, Khoa Lý luận chính trị đã tổ chức chuyến thực tế tham quan giáo dục cho sinh viên lớp Sử - Giáo dục công dân K16 từ ngày 25/8 đến ngày 30/8/2010 do cô giáo Trần Thị Mỹ Bình làm trưởng đoàn. Thực tế, tham quan giáo dục là một học phần trong chương trình đào tạo ngành Sử - Giáo dục công dân nhằm phát triển kỹ năng đánh giá các vấn đề gắn lý luận với thực tiễn, phát triển tình cảm yêu quê hương đất nước, quyết tâm rèn luyện để trở thành một giáo viên dạy giáo dục công dân trong tương lai.

Đoàn chúng tôi xuất phát từ Thủ đô kháng chiến đến với Thủ đô Hà nội- nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc và chứng kiến những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Chuẩn bị đại lễ ngàn năm Thăng long - Hà nội, đường phố Hà nội được trang hoàng đẹp hơn khiến lũ "nhà quê" chúng tôi thêm háo hức khám phá. Sinh viên trẻ trung huyên náo là vậy, nhưng khi bước vào viếng Lăng Bác chúng tôi đều lặng đi xúc động trước Người. Viếng Bác xong, chúng tôi ra Quảng trường Ba Đình tận hưởng không khí của ngày độc lập. Tiếng Bác Hồ đọc Tuyên Ngôn độc lập từ các màn hình ngoài trời khiến chúng tôi có cảm giác như đang trong ngày Quốc khánh đầu tiên thiêng liêng của dân tộc. Rưng rưng một nỗi niềm khi bước lên căn nhà sàn đơn sơ của Bác, chúng tôi thấy đâu đây bóng dáng của vị Chủ tịch cả cuộc đời vì nước vì dân, rất giản dị mà thanh cao. Trong chuyến hành trình về nguồn này, chúng tôi đã dừng lại rất lâu trong Bảo tàng Hồ Chí Minh lật giở từ trang lịch sử, trân trọng ngắm nhìn những kỷ vật gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.

Lưu luyến chia tay với Thủ đô ngàn năm văn hiến, "Hành trình về nguồn" đưa chúng tôi về thăm Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), thăm đền vua Đinh, vua Lê. Đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm vua Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, các hoạt động nhộn nhịp hướng đến ngày kỷ niệm khiến chúng tôi thêm hứng thú tìm hiểu. Mảnh đất Ninh Bình với nhiều di tích, danh thắng như: nhà thờ Phát Diệm, Chùa Bái Đính, Tam cốc - Bích động đã mang lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc thú vị.
 
Nghệ An là điểm đến cuối cùng trong chuyến "Hành trình về nguồn" của đoàn chúng tôi. Quê Bác ngày mưa là ấn tượng không bao giờ phai mờ trong ký ức thời sinh viên của chúng tôi. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trời mưa tầm tã nhưng không làm chúng tôi nản lòng. Chuẩn bị sẵn áo mưa và ô từ nhà, chúng tôi lướt thướt che cho nhau vào thăm nhà Bác. Hình như ông trời hiểu tấm lòng chúng tôi nên lúc đến trước nhà Bác,mưa ngớt được 1 chút để chúng tôi chụp hình.
 
Khi đến đây, chúng tôi mới cảm nhận sâu sắc được nỗi xúc động của hàng triệu người đến thăm ngôi nhà đơn sơ này. Nghe cô hướng dẫn viên kể về tuổi thơ và chuyến về thăm nhà của Người, chúng tôi đã khóc, khóc rất nhiều. Chính trong ngôi nhà lá đơn sơ ấy, chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta đã chào đời. Chính tình yêu nước tha thiết, yêu nhân dân hết thảy đã cho Hồ Chí Minh sức mạnh cùng dân tộc nên lịch sử trường chinh trong thế kỷ XX. Học tập Bác chính là học biết yêu người, học biết nỗ lực vượt lên hoàn cảnh. Chắc chắn sau này, khi trở thành người thầy dạy giáo dục công dân, chúng tôi sẽ chia sẻ với học sinh những cảm xúc và bài học làm người đó.

Chỉ còn 2 ngày nữa là giỗ Bác Hồ theo âm lịch, nhiều người con Việt Nam yêu Bác cũng đến để dâng hoa, tưởng nhớ đến Người. Tuy xa nhà trong cái lành lạnh của Quê Bác ngày bão nhưng mùi hương trầm và tình cảm của con người nơi đây khiến chúng tôi có cảm giác như đang đứng trên chính mảnh đất quê hương của mình vậy: thân quen và ấm cúng.

Kết thúc chuyến "Hành trình về nguồn", đoàn chúng tôi ra về với tâm trạng lưu luyến, rời chân đi nhưng trái tim muốn ở lại. Chuyến đi này đã cho chúng tôi thêm những hiểu biết, những kinh nghiệm, đặc biệt là những trải nghiệm tình cảm rất sâu sắc về lịch sử hào hùng của dân tộc, về Bác Hồ kính yêu, về tổ quốc Việt Nam tươi đẹp. Chúng tôi tự hứa với lòng mình khi trở thành thầy cô giáo dạy lịch sử, dạy giáo dục công dân, chúng tôi sẽ truyền lại ngọn lửa tình yêu để các thế hệ sau này thêm yêu Bác Hồ, yêu quê hương, yêu dân tộc Việt.

Lương Ngọc Mai- Sinh viên lớp Sử-GDCD K16