Bạn là sinh viên năm cuối sắp phải thuyết trình một đề tài khoa học hay là một ứng viên cần phải thuyết trình trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn việc làm, hoặc bạn là nhân viên phải thuyết trình dự án trước sếp hay đối tác…Bất kỳ lúc nào và dù ở nơi đâu thì kỹ năng thuyết trình luôn là một kỹ năng quan trọng và cần thiết.
Làm sao để tự tin thuyết trình trước đám đông? Kỹ năng thuyết trình không phải là tố chất bẩm mà nó được rèn luyện thông qua những trải nghiệm và bài học thực tế.
Với những bạn trẻ từng có nhiều cơ hội thuyết trình thì việc làm này hoàn toàn dễ dàng nhưng với những bạn chưa từng trải nghiệm thì đây chắc hẳn là một thử thách. Chỉ cần tưởng tượng ra cảnh có rất nhiều người đang nhìn vào mình trong khi mình lại quên mất cần phải nói gì, mắt nhìn vào tờ giấy đang cầm trên tay và không trả lời được những câu hỏi phản biện của khán giả, bạn đã thấy vã mồ hôi và lo lắng rồi đúng không?
Bình tĩnh nào, để có một bài thuyết trình thành công không khó như bạn nghĩ, chỉ cần bạn làm theo những bước sau:
Chuẩn bị nội dung thật tốt
Chuẩn bị nội dùng là việc làm vô cùng quan trọng bới nội dung chính là xương sống của bài thuyết trình nên không có lý do gì bạn không đầu tư thời gian để chuẩn bị, từ nội dung kịch bản, slide đến âm thanh hình ảnh. Bạn cần lưu ý rằng nội dung trên slide không phải là nội dung kịch bản. Bạn có nhớ mình đã cảm thấy nhàm chán thế nào khi một người cứ nhìn lên slide và đọc lại không? Nội dung kịch bản có thể viết dài, viết nhiều, nhưng nội dung slide bắt buộc phải ngắn gọn, chỉ nêu lên những ý chính hoặc những nội dung quan trọng cần được nhấn mạnh và nên tập trung đưa nhiều hình ảnh minh họa hấp dẫn. Âm thanh cũng là yếu tố không thể thiếu, những clip hay, hài hước hay cảm động sẽ khiến khán giả chú ý hơn vào những thời điểm họ mệt mỏi hay sao nhãng. “Âm nhạc giúp kết nối tâm hồn”, hãy phát những đoạn nhạc phù hợp thời điểm đầu và cuối buổi, việc làm này sẽ làm thăng hoa cảm xúc của người nghe, đây chính là bí quyết của những chuyên gia thuyết trình hàng đầu chia sẻ.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể và điều chỉnh giọng nói
Ngôn ngữ cơ thể và giọng nói chiếm 55% thành công của buổi thuyết trình. Nghiên cứu cho thấy khán giả sẽ bị thu hút và hứng thú hơn khi người nói có những di chuyển và cử động tay linh hoạt. Giao tiếp bằng ánh mắt cũng vô cùng quan trọng, theo kinh nghiệm từ các diễn giả thì bạn nên quan sát khán phòng theo hình chữ M để có thể bao quát toàn bộ khán giả, tuy nhiên đôi lúc nên tìm một ánh mắt nào đó để giao tiếp và truyền cảm hứng. Giọng nói của bạn nếu hay thì đó là một lợi thế, tuy nhiên nếu không hay thì bạn vẫn có thể cải thiện bằng ngữ điệu lên xuống hay nhấn nhá ở những phần quan trọng.
Kể chuyện và kể chuyện
Đây chính là bí kíp để tạo ra điểm nhấn của buổi thuyết trình, không phải những kiến thức sách vở hoàn toàn có tìm được trên google mà chính những câu chuyện thực tế, những ví dụ sinh động, những nhân vật cụ thể sẽ tạo cảm hứng và đi vào tiềm thức của người nghe. Nếu bạn kể chuyện hài khiến cho khán giả cười hoặc kể câu chuyện cảm động khiến cho họ khóc là bạn đã thành công rồi đấy.
Luyện tập và luyện tập
Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thuyết trình, cách tốt nhất là luyện tập thật nhiều. Việc làm này giúp bạn tự tin và biết cách làm chủ bài diễn thuyết của mình. Một thí nghiệm rất hay được thực hiện tại đại học Đại học American (Mỹ), họ đã thực hiện buổi tập rượt thuyết trình giúp sinh viên bớt căng thẳng và khán giả chính là hai chú chó Teddy (giống chó sục Jack Russell) và Ellie (giống chó núi Bernese. Theo phân tích, diễn thuyết trước những chú chó thân thiện và không phán xét giúp các sinh viên không bị tăng huyết áp, hạn chế sự căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Vì vậy, tìm những khán giả “ảo” cũng là cách hoàn hảo để luyện tập cho bài thuyết trình cá nhân.
CLB Truyền thông