Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm học 2023-2024 là nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên.
Các đại biểu dự hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm 2023-2024 đối với giáo dục ĐH
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn vừa ký ban hành quyết định về kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành giáo dục.
Theo đó, ngành giáo dục đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục:
Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và nhà nước về phát triển giáo dục - đào tạo. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục - đào tạo.
Tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn; đẩy mạnh tự chủ...
Thứ 2, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên:
Nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025”; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục thực hiện nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông 2006.
Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025...
Thứ 3, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp:
Tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế, số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để báo cáo bổ sung biên chế.
Các địa phương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao; sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở, khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ; bố trí đủ giáo viên dạy ngoại ngữ và tin học...
Tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu. Đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ cơ cấu, số lượng, chất lượng...
Thứ 4, bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục:
Có giải pháp hiệu quả huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo.
Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; bảo đảm thiết bị dạy học tối thiểu.
Tham mưu các cấp, ngành bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục để bảo đảm chi cho hoạt động giảng dạy và học tập đạt tỉ lệ tối thiểu 19% tổng chi thường xuyên (chưa kể chi từ nguồn thu học phí).
nld.com.vn