Theo chuyên gia luyện thi IELTS, kỹ năng hấp thụ như Nghe và Đọc cần được tập trung nhiều hơn để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Đặng Trần Tùng, người Việt Nam đầu tiên 5 lần đạt 9.0 IELTS, cho biết tất cả bài thi kiểm tra trình độ tiếng Anh quốc tế như IELTS, PTE, TOEFL đều được quy về Khung tham chiếu châu Âu (CEFR) với thang đánh giá từ A1 đến C2.
Theo một nghiên cứu của Đại học Cambridge, người học mất trung bình 200 giờ để lên được một bậc trong khung tham chiếu này. Nếu xuất phát từ A1, bạn phải leo mất ba bậc mới lên được B2, tức cần 600 giờ học có người hướng dẫn.
Tuy nhiên, "học đến cấp ba mà bạn vẫn ở mức bắt đầu (A1) thì để đạt được B2 trong 600 giờ là điều gần như không thể", thầy giáo 9X nhận định. Theo Đặng Trần Tùng, có những phương pháp để người học rút ngắn được lộ trình, nhưng nếu đó là mẹo hay đường tắt mà không cải thiện trình độ tiếng Anh thực chất thì không nên theo.
Đặng Trần Tùng trong buổi chia sẻ về bài thi IELTS sáng 2/4 tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau đây là 4 cách ôn luyện IETLS mà diễn giả Đặng Trần Tùng chia sẻ tại Triển lãm Giáo dục New Zealand 2023 ở Hà Nội, sáng 2/4:
Hấp thụ nhiều hơn sản xuất
Trong bốn kỹ năng của tiếng Anh gồm Nghe, Nói, Đọc, Viết, bạn phải tập trung nhiều kỹ năng hấp thụ (Nghe và Đọc) hơn là sản xuất (Nói và Viết). Hai kỹ năng sản xuất khiến người học cảm thấy có được thành quả ngay sau vài tiếng luyện hay làm bài tập. Trong khi cũng với thời gian đó dùng để đọc, bạn chưa thấy kết quả gì.
"Nhưng bạn nên dành thời gian cho việc hấp thụ hơn. Nếu muốn đạt hiệu quả nhất, bạn phải tập trung vào cái tạo ra kết quả nhiều nhất, đó là Nghe và Đọc", Tùng giải thích.
Thầy giáo 9X lấy hình ảnh chai nước lọc để miêu tả việc học tiếng Anh của học sinh Việt Nam. Lúc mới học, các em giống như chai nước rỗng. Nhiều năm sau chai đầy nhưng bên trong là nước tương, không phải nước tinh khiết vì có thể tiếp nhận nhiều kiến thức chưa đúng.
Đến năm lớp 10, 11 nhận ra tình trạng đó, người học muốn thanh lọc để thành một chai đầy nước thanh khiết bên trong. Bước đơn giản nhất là đổ thật nhiều nước lọc vào cho tới khi thanh lọc được nội dung màu đen ra ngoài. "Điều đấy tương tự với việc khi học tiếng Anh, chúng ta phải hấp thụ thật nhiều nội dung từ các tài liệu chuẩn", diễn giả cho hay.
Authentic Materials (các tài liệu chuẩn) là tất cả văn hóa phẩm được viết và tạo ra, nhưng không phải với mục đích dạy tiếng Anh. Nếu học tiếng Anh với tâm thế là mục tiêu để theo đuổi, bạn sẽ càng cảm thấy đích đến xa vời. Thay vào đó, hãy biến tiếng Anh thành một công cụ để giải quyết vấn đề cụ thể trong cuộc sống, lúc đấy việc học trở thành một hoạt động có chủ đích.
Chuyên gia luyện thi IELTS khuyến cáo hạn chế việc đặt câu ví dụ khi học tiếng Anh. "Nghe hơi ngược đời nhưng khi chưa đủ hiểu từ đó, bạn sẽ không đặt được ví dụ. Hiểu một từ là trải nghiệm tốn thời gian, buộc bạn phải lắng nghe và nhìn thấy nó xuất hiện ở đâu", thầy Tùng chia sẻ, cho biết ở lớp học của mình, học viên thường được yêu cầu tìm 10 ví dụ có từ mới cần học ở các nguồn.
Đọc đa dạng
Trong khi luyện Viết phải có người chữa và phản hồi; luyện Nói phải có người học cùng và luyện Nghe cần đến file và công cụ; bạn có thể học Đọc ở khắp nơi, từ biển quảng cáo đến tờ rơi hướng dẫn dùng nồi cơm điện.
"Bạn phải hình thành một thói quen đọc đa dạng. Một người học tốt là một người đọc tốt", thầy Tùng nói.
Theo diễn giả này, người học nên đọc những nội dung mà mình thấy hứng thú. Chẳng hạn, nhiều người đánh giá thấp vai trò của truyện tranh trong việc học tiếng Anh, Đặng Trần Tùng lại nhận thấy kỹ năng này đã giúp anh tới 50% trong việc cải thiện những điểm yếu của bản thân. Tuy nhiên, khi đọc truyện tranh bằng tiếng Anh và bắt gặp từ mới, người học chưa nên ghi lại từ mới đó, tra nghĩa rồi học thuộc.
"Chúng ta phải để ngôn ngữ tồn tại ở dạng lơ lửng trong đầu để khi nhìn thấy các dạng khác của nó, bạn có thể biến tấu nhanh hơn", thầy Tùng cho hay.
Bên cạnh đó, người học cũng cần có chế độ thu nạp thông tin cân bằng để có sự định hình về tiếng Anh một cách toàn diện. Bạn có thể thích đọc truyện tranh hơn đọc báo, thích xem phim hơn nghe TED Talks nhưng nên tiếp xúc với mọi thứ để không bị sa đà vào một giọng văn hay phong cách nào đó.
Ghi âm và Tự sửa lỗi
Việc ghi âm lại phần nói của mình, theo chuyên gia dạy IELTS là để có bằng chứng về sự tiến bộ của bản thân. Hai kỹ năng Nói và Nghe song hành với nhau ở chỗ khi bạn nói được ắt sẽ nghe được. Khi bạn ghi âm lại, bạn sẽ có thước đo để biết người nghe có hiểu mình không.
Ngoài ra, người học cần luyện kỹ năng rà soát, tự chữa các lỗi cơ bản về ngữ pháp hay kết cấu, ý tưởng trong các bài viết của mình.
"Bạn không cần phải viết nhiều, hãy viết một bài nhưng viết đi viết lại. Viết đến bản nháp thứ tư là bạn đã có khả năng sửa được các lỗi. Lúc ấy, 99% là bạn sẽ không bao giờ mắc lại lỗi đó", thầy Tùng nói.
Khi sửa bài cho học sinh, giáo viên thường chỉ gạch chân lỗi. Thay vì sửa ngay, học sinh được gợi ý các nguồn để đọc và biết tại sao mình sai. Nếu học sinh vẫn chưa sửa được mới cần sự hỗ trợ. Sau khi tự chữa được phần kết cấu, người học mới nên chú ý đến việc chọn dùng từ nào cho hay.
"Việc dùng từ hay không quan trọng ở giai đoạn ban đầu", thầy Tùng nói.
vnexpress.net