Đến nay Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới, trong đó có 5 Di sản Văn hóa, 3 Di sản Thiên nhiên và 1 Di sản Hỗn hợp.
Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Vào hồi 17 giờ 39 phút giờ địa phương (tức 21 giờ 39 phút ngày 16/9 giờ Việt Nam), tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới, trong đó, có 5 Di sản Văn hóa, 3 Di sản Thiên nhiên và 1 Di sản Hỗn hợp.
1. Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993
Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới của UNESCO. Đây là Di sản thứ 410 trong Danh mục và là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh.
Quần thể di tích Cố đô Huế có 29 điểm di tích nằm rải rác trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế) với gần 500 hạng mục công trình chủ yếu làm từ gỗ.
Đại Nội Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế là Thủ phủ của 9 đời Chúa Nguyễn (thế kỷ 16-18) ở Đàng Trong, là Kinh đô của Triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ 18), rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều Vua Nguyễn (1802-1945).
Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
2. Vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên Thế giới năm 1994, 2000
Năm 1994, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới về giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2, với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất - địa mạo vào năm 2000.
Ánh nắng vàng trùm lên những ngọn núi sừng sững giữa biển tạo nên cảnh tượng hùng vĩ, choáng ngợp của Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Khu vực được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới có diện tích 434km2, gồm 775 hòn đảo đá vôi lớn nhỏ - đây là một trong những yếu tố gốc cấu thành nên giá trị di sản, được quản lý, bảo tồn theo Luật Di sản Văn hóa, Luật Bảo vệ Môi trường; Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới; Quy chế Quản lý, Bảo vệ, Phát huy Giá trị Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long.
Để có một Di sản Thiên nhiên Thế giới như ngày nay, Vịnh Hạ Long đã trải qua lịch sử địa chất gần 400 triệu năm với quá trình tích tụ tầng đá vôi dày, nhiều lần sụt chìm và bị xâm thực bởi nước biển.
3. Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) - Di sản Văn hóa Thế giới năm 1999
Mặc dù bị thời gian và chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.
Được khởi công từ thế kỷ 4 bởi vị Vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349-361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14, dưới triều Vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa.
Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. (Ảnh: TTXVN)
Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.
Các đền tháp phần lớn quay về hướng Đông - phương Mặt Trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh; ngoại trừ một vài tháp quay về hướng Tây hoặc cả hai hướng Đông-Tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.
Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa.
Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman, vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần-vua và tổ tiên hoàng tộc.
4. Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa Thế giới năm 1999
Hội An vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 là một nơi đô hội, trên bến dưới thuyền, buôn bán tấp nập.
Nhiều thương nhân nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan... đã đến đây lập thương điếm, kinh doanh xuất nhập khẩu và làm ăn sinh sống.
Chính vì vậy, phong cách Hội An là sự kết hợp những yếu tố, những phong cách bản địa với những phong cách có nguồn gốc từ nước ngoài.
Khách du lịch trong và ngoài nước tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh: TTXVN)
Cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đô thị cổ Hội An vẫn giữ nguyên được những nét đẹp cổ xưa nhất.
Nơi đây là một quần thể di tích được gìn giữ hầu như nguyên vẹn với 1.360 di tích bao gồm 1.068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu.
Điều này khiến Hội An trở thành một địa danh độc nhất vô nhị trong biên niên sử thời hiện đại.
5. Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) - Di sản Thiên nhiên Thế giới năm 2003, 2015
Phong Nha-Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 201.000ha.
Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754ha và một vùng đệm rộng 195.400ha.
Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Thế giới.
Động Phong Nha đẹp huyền ảo và kỳ vỹ. (Ảnh: TTXVN phát)
Trải qua nhiều thay đổi lớn về địa tầng và địa mạo, địa hình khu vực này hết sức phức tạp. Phong Nha-Kẻ Bàng phô diễn các bằng chứng ấn tượng về lịch sử trái đất, giúp các nhà nghiên cứu hiểu được lịch sử địa chất và địa hình của khu vực.
Ngày 5/7/2003, tại kỳ họp thứ 27, Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam là Di sản Thiên nhiên Thế giới với tiêu chí giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo.
6. Hoàng thành Thăng Long - Di sản Văn hóa Thế giới năm 2010
Tại Di tích Hoàng thành Thăng Long, ngoài một số kiến trúc hiện hữu trên mặt đất như Cột Cờ, Đoan Môn, Thềm rồng Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc..., còn một số lượng lớn các dấu tích kiến trúc xuất lộ qua khai quật khảo cổ học đang bảo tồn tại chỗ.
Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Các di tích ở các lớp văn hóa khác nhau chồng lên nhau là chứng cứ cho thấy đây là trung tâm chính trị, văn hóa quan trọng của nước ta từ thành Vạn Xuân thế kỷ 6, phủ thành Tống Bình, phủ thành An Nam thế kỷ 7-9, kinh đô của nước Đại Việt qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn từ thế kỷ 11-19.
Các hiện vật, phế tích kiến trúc tìm được còn cho thấy hệ thống cung điện, lầu gác đồ sộ; đồng thời, bổ sung kiến thức quan trọng vào hiểu biết về nền kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam truyền thống.
7. Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) - Di sản Văn hóa Thế giới năm 2011
Không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng Thành Nhà Hồ là minh chứng “vô tiền khoáng hậu” về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo.
Cổng phía Bắc Thành nhà Hồ được xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi. (Ảnh: TTXVN)
Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính của Thành nhà Hồ được xây dựng theo kiến trúc hình vòm với những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau.
Các phiến đá có chiều dài trung bình 1,5m, dày 1m, nặng từ 15-20 tấn.
Các cổng được gọi tên theo bốn hướng chính: cổng Nam, cổng Bắc, cổng Đông, cổng Tây (hay còn gọi là: Tiền, Hậu, Tả, Hữu).
8. Quần thể Danh thắng Tràng An (Ninh Bình) - Di sản hỗn hợp năm 2014
Với những giá trị đặc sắc nổi bật về thẩm mỹ, cảnh quan, địa chất, địa mạo và truyền thống cư trú của người tiền sử, Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào tháng 6/2014, trở thành Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên tại Việt Nam. Đặc biệt, nơi đây có nhiều di tích danh thắng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Quần thể danh thắng Tràng An nơi đây được thiên nhiên ban tặng những dãy núi đá vôi uốn lượn bao quanh dòng sông thanh bình, cùng những di tích linh thiêng và hệ động thực vật phong phú, quý hiếm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Các nhà địa chất quốc tế đánh giá Tràng An là một trong những nơi có cảnh quan tháp karst đẹp và quyến rũ bậc nhất thế giới, một “Bảo tàng địa chất ngoài trời” hơn 250 triệu năm tuổi, cùng các thảm rừng nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Những khối đá vôi Tràng An được ví như một Vịnh Hạ Long "hóa thạch," độc đáo ở chỗ đã từng bị biển xâm lấn, biến cải nhiều lần, qua thời gian dài phong hóa đã nổi lên trên cạn, tạo ra những cảnh đẹp lạ thường.
Đến với Tràng An, điều thú vị nhất là được hòa mình vào thiên nhiên, với không khí trong lành, không gian yên tĩnh.
Vẻ hài hòa của đá, sông nước, rừng cây và bầu trời tại Tràng An đã cùng nhau tạo nên một thế giới tự nhiên vô cùng sống động và quyến rũ.
Toàn cảnh Tràng An được bao phủ bởi thảm rừng xanh mướt và các tháp dạng nón hùng vĩ cao gần 200m, với các hố trũng hẹp khép kín, bao quanh là những sống núi nối liền nhau, các đầm lầy thông nhau qua hệ thống suối xuyên ngầm có chiều dài lên đến 1km.
9. Quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) - Di sản Thiên nhiên Thế giới 2023
Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản Thế giới bởi nơi đây có các khu vực với vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ; đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với đặc điểm karst liên quan như các mái vòm, hang động.
Quần đảo Cát Bà góc nhìn từ trên cao. (Ảnh: TTXVN)
Với Vịnh Hạ Long, đây là lần thứ 3 được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Trước đó, năm 1994, Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới về giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2, với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo vào năm 2000./.
baomoi.com