Học sinh cần nắm được xu hướng đề thi những năm gần đây, tập trung khai thác kỹ những nội dung có trong SGK, bám sát vào đề cương, kiến thức ôn tập của thầy cô.
Sinh học là một trong ba môn nằm trong bài thi Khoa học Tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học) trong . Môn học này cũng nằm trong tổ hợp môn xét tuyển các khối như B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), A02 (Toán, Vật lý, Sinh học), C06 (Ngữ văn, Vật lý, Sinh học), D08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh) và một số tổ hợp khác. Trong thời điểm gấp rút chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông như hiện tại, việc ôn thi môn Sinh học sao cho hiệu quả là điều không ít thí sinh quan tâm.
Tránh sa đà vào giải các bài tập
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đinh Văn Tiên, giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Trong giai đoạn hiện nay, sa đà vào giải các bài tập, đặc biệt là những bài tập mang nặng số liệu, “áp dụng công thức” là một trong những sai lầm đáng tiếc. Vì vậy, các em cần điều chỉnh lại thời gian giữa ôn tập lý thuyết và giải bài tập.
Thầy Đinh Văn Tiên, giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông Gia Định. Ảnh: NVCC
Trong quá trình giải đề, một số em có thế mạnh tư duy và tính toán nên thích giải những bài tập vận dụng cao. Tuy nhiên, trong cách tính điểm của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì câu vận dụng cao (ví dụ: Bài tập phả hệ) cũng bằng điểm với câu lý thuyết mức nhận biết. Vì vậy, các em nên ưu tiên theo thứ tự câu dễ, quen thuộc, thế mạnh”.
Thầy Đinh Văn Tiên phân tích ví dụ minh họa từ đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ảnh: NVCC
“30 câu đầu ở hai mức độ nhận biết và thông hiểu, câu hỏi ngắn gọn, cần nắm vững kiến thức cơ bản, đọc kĩ đề, làm nhanh, hạn chế tối đa sai sót và dành thời gian nhiều hơn cho 10 câu hỏi khó và rất khó còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Để làm tốt 10 câu hỏi sau, đặc biệt là 4 câu hỏi vận dụng cao, thí sinh nên gạch chân các từ khóa hoặc tóm tắt lại câu hỏi để làm nhanh và chính xác. Mức độ nhận thức tuy có khó hơn nhưng vẫn dựa trên nền tảng kiến thức cơ bản. Vì vậy, thí sinh nên bình tĩnh đọc kỹ từng câu hỏi, khai thác dữ kiện ở câu dẫn đã cho và kết nối chúng với các phương án lựa chọn để chọn được phương án trả lời đúng nhất" - thầy Tiên nói thêm.
Thầy Nguyễn Duy Khánh - giáo viên môn Sinh học, từng công tác tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) chia sẻ: "Nhiều bạn cho rằng câu hỏi tập trung rất nhiều vào phần Di truyền phải học nhiều công thức giải nhanh, các mẹo để giải bài toán xác suất thống kê trong Sinh học, nhưng gần đây, có thể thấy rất rõ nội dung kiến thức môn Sinh học trong đề thi có sự chuyển biến thay vì tập trung vào phần Di truyền thì tăng các phần câu hỏi phần Tiến hóa và Sinh thái.
Đề thi gần như hạn chế tối đa và triệt tiêu các dạng bài tập tính toán, xác suất thống kê mà thay bằng các câu hỏi kênh hình, bảng biểu, đồ thị để đa dạng nội dung kiến thức. Vì vậy, học sinh cần nắm được xu hướng đề thi đã thay đổi như thế nào, tập trung khai thác kỹ những nội dung có trong sách giáo khoa, bám sát vào đề cương, kiến thức ôn tập của thầy cô".
Thầy Nguyễn Duy Khánh phân tích ví dụ minh họa với đề thi môn Sinh học. Ảnh: NVCC
Thầy Khánh nói tiếp: “Với những nội dung trong 30 câu đầu tiên (22 câu mức độ nhận biết và 8 câu mức độ thông hiểu) thì thường dành cho xét tốt nghiệp, chống điểm liệt vì vậy các bạn cần nắm chắc kiến thức cơ bản, ôn kỹ trong sách giáo khoa. Những câu này cần làm nhanh nhưng tư duy phải cẩn thận để tránh nhầm lẫn, sai sót đáng tiếc.
Ở 10 câu còn lại (6 câu vận dụng và 4 câu vận dụng cao), thí sinh cần có kỹ năng để suy luận, phân tích kiến thức. Với các câu ở phần quy luật di truyền thay vì công thức tính giải nhanh, học sinh phải khai thác thông tin, dữ kiện có trong bài theo các hướng khác nhau. Bởi vậy các em nên thường xuyên luyện tập đề thi để củng cố kiến thức, nắm được cách làm bài".
Không thể "học tủ, ôn tủ"
"Học tủ, ôn tủ" là cách học bắt gặp ở không ít học sinh. Tuy nhiên, đây là lối tư duy sai lầm, khiến các em không thể giải quyết được các câu hỏi nằm ngoài vùng mình ôn tập và không thực sự hiểu bản chất vấn đề.
Thầy Nguyễn Duy Khánh. Ảnh: NVCC
Bàn về điều này, thầy Khánh chia sẻ: "Không chỉ với môn Sinh mà với tất cả các môn học, từ năm 2022 trở lại đây đề thi đã tránh việc học sinh "học tủ" bằng cách các nội dung câu hỏi, đơn vị kiến thức, ma trận ở các ô kiến thức sẽ đảo liên tục, không thống nhất như trước đó.
Do đó, nếu "học tủ" học sinh chỉ có thể đạt điểm trung bình còn với các bạn đặt mục tiêu đạt điểm từ 8 trở lên thì học như vậy là đang đi không đúng tinh thần mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. Trong cấu trúc đề thi có 22 câu hỏi ở mức độ nhận biết, 8 câu hỏi ở mức độ thông hiểu, kiến thức đa phần bám vào sách giáo khoa.
Ngoài ra, xu hướng gần đây, đề thi thay vì tập trung vào phần Di truyền học thì sẽ tăng cường các câu hỏi ở các phần Tiến hóa và Sinh thái. Phần này cũng có thể có những câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao thay vì chỉ có Di truyền như trước. Học sinh cần biết cách khai thác khả năng phân tích, suy luận các kênh hình, bảng biểu, đồ thị cũng như vận dụng một số kiến thức thực tiễn, ứng dụng của môn Sinh học vào đời sống để giải quyết câu hỏi ở mức độ nâng cao hơn".
Cùng quan điểm với thầy Khánh, thầy Tiên nhấn mạnh: "Trong vài năm gần đây, đề thi đang “dịch chuyển” theo hướng khuyến khích học sinh học hiểu bản chất Sinh học hơn là học thuộc lòng một cách máy móc, gắn với kiến thức thực tiễn thay vì bài tập mang nặng số liệu trong Sinh học, đồng thời, đề thi xuất hiện các câu hỏi thí nghiệm Sinh học để tìm hiểu thế giới sống. Hình thức thi môn Sinh học là toàn bộ các câu hỏi trắc nghiệm khách quan, do đó, các thí sinh nên “học hiểu” hơn là “học tủ, ôn tủ”.
Đối với các em chỉ cần đạt điểm trung bình nên dành nhiều thời gian cho các phần nội dung của chương trình Sinh học lớp 12 (36 câu /46 bài học) hơn so với chương trình Sinh học lớp 11 (4 câu /20 bài học). Khi ôn Sinh học lớp 12, học sinh nên ưu tiên rà soát kiến thức nền tảng, cốt lõi, nhất là Sinh thái, Tiến hoá (bằng chứng, nguyên nhân, cơ chế). Vì phần Sinh thái, Tiến hoá mới học và thi học kì II nên việc ôn luyện có nhiều thuận lợi, nhất là trong giai đoạn “nước rút” hiện nay.
Đối với các em muốn đạt điểm khá, giỏi, bên cạnh việc khái quát hoá để nắm vững kiến thức nền tảng thì các em cần chú trọng rèn luyện năng lực tìm hiểu thế giới sống; vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn; tăng cường cách phân tích số liệu (từ hình, bảng biểu và đồ thị) và các thí nghiệm sinh học".
Học tập kết hợp với nghỉ ngơi
Bên cạnh phương phương pháp ôn thi, làm bài hiệu quả, các thí sinh cũng cần chú ý đến vấn đề sức khỏe cả về thể chất và tinh thần để bước vào kỳ thi với trạng thái tốt nhất.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Ảnh minh họa: PM
Thầy Tiên nhấn mạnh: "Bất kể một kì thi nào, để phát huy tối đa khả năng mỗi thí sinh cần đảm bảo ba yếu tố.
Thứ nhất về thể chất: Đây là yếu tố nền tảng, một trí tuệ minh mẫn chỉ có trong một cơ thể khỏe mạnh. Các thí sinh nên ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, lên kế hoạch học tập chủ động và hiệu quả. Trong quá trình ôn tập, rất nhiều thí sinh có thói quen “ngủ ngày, cày đêm” sẽ không phù hợp với đồng hồ sinh học. Vì vậy, các em có thể cân nhắc việc thức dậy sớm học bài sẽ hiệu quả hơn khi thức khuya. Ngoài ra, các em nên luyện tập thể thao nhẹ nhàng như chạy bộ, đạp xe,…
Thứ hai là về tinh thần: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là dấu mốc quan trọng, đánh dấu 12 năm học tập của các em, kỳ thi đó không chỉ đưa các em chạm tới mục tiêu của bản thân mà nó còn là sự kỳ vọng của gia đình. Chỉ đi qua áp lực hay khó khăn, các em mới có thể biết được năng lực của bản thân tới đâu.
Các em hãy vững tin và bản lĩnh để đối mặt với những thách thức về thời gian, kiến thức cũng như kỹ năng nhằm phát huy tối đa khả năng khi làm bài thi. Luôn có tâm thế rằng chỉ cần cố gắng hết sức mình. Dựa trên kết quả thực tế đạt được để chọn trường, chọn ngành phù hợp. Sẽ luôn có nhiều cánh cổng mở ra đưa các em đến với những giảng đường khác nhau để chạm tới ước mơ của mình.
Thứ ba về kiến thức. Nếu sức khỏe là điều kiện cần thì kiến thức và kĩ năng làm bài thi là điều kiện đủ. Học là hành trình tích lũy, thí sinh nên học hiểu bản chất thay vì “nhồi nhét” kiến thức, đặc biệt là với môn Sinh học.
Trong giai đoạn này, các em nên tập trung khái quát hóa lại kiến thức nền tảng bằng sơ đồ tư duy, gạch chân hoặc tô màu các từ khóa trên sơ đồ tư duy đã làm theo cách hiểu của riêng mình.
Đồng thời, học sinh cần tăng cường giải các đề thi minh hoạ, đề thi tham khảo, đề thi thử theo thời gian như quy định. Quá trình này giúp các em có phản hồi về tiến trình học của mình qua thống kê điểm số.
Cùng với đó, các sĩ tử hãy dành thời gian lấp đầy những phần kiến thức còn thiếu hoặc chưa vững sau khi giải đề.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó:
- Ngày 26/6/2024: làm thủ tục dự thi;
- Ngày 27, 28/6/2024: tổ chức coi thi;
- Ngày 29/6/2024: Ngày thi dự phòng.
Thời gian công bố kết quả thi dự kiến vào 8 giờ 00 ngày 17/7/2024. Sau đó, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.
giaoduc.net.vn