Nhiều điểm mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN); bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 30/5. Quy định này được đông đảo đội ngũ nhà giáo hoan nghênh, đón nhận.
Cô trò Trường Tiểu học Quang Minh B (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: TG
Hợp tình, hợp lý
Ngày 14/4/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 08) sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 01- 04) quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Thông tư 08 có một số điểm điều chỉnh đáng chú ý như: Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng CDNN theo hạng; quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng CDNN; không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ; giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng CDNN được bổ nhiệm; điều chỉnh thời gian giữ CDNN giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm; giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng CDNN cũ sang hạng CDNN mới.
Hơn 15 năm đứng trên bục giảng, thầy Lê Ngọc Tuấn - Trường Tiểu học Hải Hà, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã được bổ nhiệm giáo viên hạng II. Trong số các điều chỉnh của Thông tư 08, thầy Tuấn tâm đắc với quy định: Không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ.
Lý giải về việc này, thầy Tuấn chia sẻ, theo Thông tư số 02/2021/TT, giáo viên tiểu học hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên. Chưa có bằng thạc sĩ nên thầy Tuấn chưa được bổ nhiệm giáo viên hạng I dù các điều kiện, minh chứng cần thiết đã đầy đủ.
“Thực tế không phải giáo viên nào cũng có điều kiện để đi học thạc sĩ, nhất là giáo viên vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Vô hình trung, bằng cấp trở thành rào cản đối với giáo viên”, thầy Tuấn bộc bạch. Từ thực tế này, thầy Tuấn cho rằng, việc không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ là hợp tình, hợp lý. Trên hết là giải tỏa tâm tư, trăn trở của đội ngũ giáo viên cả nước.
Một giờ lên lớp của cô Lưu Thị Thanh Nga. Ảnh: NVCC
Xóa rào cản cho giáo viên
Từng chật vật để có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh hạng III, II nên cô Lưu Thị Thanh Nga –Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) “thấm đủ” mọi cung bậc cảm xúc của hành trình này. Do đó, cô Nga đồng tình cao khi Bộ bãi bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN theo hạng. “Quy định này rất thiết thực và là một trong những mong đợi nhất của chúng tôi”, cô Nga bày tỏ.
Tán thành với các điều chỉnh của Thông tư 08, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa nhìn nhận, Thông tư có nhiều tiến bộ, bám sát thực tiễn khách quan; trên hết là đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo. “Đơn cử như, Thông tư đã điều chỉnh thời gian giữ CDNN giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm” – ông Tứ viện dẫn.
Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa phân tích, trước đây, quy định về thời gian giữ CDNN giáo viên mầm non hạng III là 9 năm. Tuy nhiên, chênh lệch hệ số lương giữa hạng III (theo bảng lương của viên chức loại A0 với hệ số lương khởi điểm là 2,10) và hạng II (theo bảng lương của viên chức loại A1 với hệ số lương khởi điểm là 2,34) không nhiều.
Nếu yêu cầu thời gian giữ hạng 9 năm sẽ làm giảm động lực phấn đấu của giáo viên mầm non. Do đó, Bộ GD&ĐT điều chỉnh thời gian giữ CDNN giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm là hợp tình, hợp lý; bảo đảm thống nhất với các ngành, lĩnh vực khác.
Trao đổi về một số điểm mới của Thông tư 08, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, một trong những điểm mới của Thông tư này là điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN. Theo đó, chỉ quy định 1 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN.
Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, có thể sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng CDNN và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên tương ứng với từng cấp học.
Khi bổ nhiệm, chuyển xếp CDNN giáo viên tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01 - 04 và khi chuyển CDNN không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian tập sự.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã rà soát lại quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS trên cơ sở nghiên cứu yêu cầu của việc triển khai chương trình giáo dục cấp tiểu học và THCS. Theo đó, mục tiêu của giáo dục tiểu học là hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học THCS. Mục tiêu của giáo dục THCS nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Như vậy, với yêu cầu giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết. Do đó, tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS hạng I là đại học.
Theo: Giaoducvathoidai.vn