Ngày 9/8, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 đối với khối giáo dục đại học. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT và các cơ sở giáo dục đại học.
Tuyển sinh khởi sắc; đào tạo cải thiện về chất
Báo cáo kết quả giáo dục đại học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ cho biết: Năm 2024, số thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) trên cả nước là 1.071.393. Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GDĐT ghi nhận tổng số hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 82,9%, tỷ lệ tuyển sinh thạc sĩ đạt 56,89%, tỷ lệ tuyển sinh tiến sĩ đạt 47,16%.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thuỷ chủ trì thảo luận
Công tác tuyển sinh ngày càng đảm bảo khách quan, công bằng, bình đẳng, thuận tiện hơn cho cả cơ sở đào tạo và thí sinh, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời góp phần đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo, ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển.
Việc thực hiện chuyển đổi số trong toàn hệ thống và ở tất cả các khâu trong tuyển sinh là một điểm sáng, mang lại lợi ích lớn cho người học, thí sinh và người dân, đồng thời giảm chi phí cho toàn xã hội. Quy trình tuyển sinh được cải tiến liên tục, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả, từ việc áp dụng công nghệ thông tin đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ thí sinh.
Tuy nhiên, việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục trong mùa tuyển sinh năm 2023.
Công tác đào tạo và đảm bảo chất lượng ngày càng được chú trọng, cải thiện rõ rệt về chất. Đội ngũ giảng viên được gia tăng cả về số lượng và chất lượng, với sự cạnh tranh lành mạnh để thu hút nhân tài trong hệ thống. Năm 2024, số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian là 91.297 người, cao hơn so với những năm trước. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên là giáo sư, phó giáo sư tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy báo cáo tại hội nghị
Hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng, các công trình nghiên cứu ngày càng hướng theo chất lượng thực chất; đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học trong công bố khoa học cả trong nước và quốc tế vẫn luôn chiếm vị thế chủ đạo. Thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học và ngành đào tạo của Việt Nam ngày càng được ghi nhận trên bản đồ giáo dục đại học thế giới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức hiện nay trong hoạt động của giáo dục đại học. Theo đó, Chất lượng đào tạo mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao và yêu cầu phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đa số cơ sở giáo dục đại học chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học, chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu khoa học. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội.
Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đang theo xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa đạt được nhiều kết quả, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trong năm học 2024-2025, khối giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong toàn hệ thống. Chuẩn bị tốt các tiền đề cho giai đoạn phát triển mới của giáo dục đại học, thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm.
Đề xuất sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh năm 2025
Tại hội nghị, lãnh đạo một số đơn vị của Bộ GDĐT đã tham luận, đề xuất giải pháp về công tác quản lý chất lượng; giải pháp phát triển nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học; công tác thanh tra, kiểm tra khối giáo dục đại học.
Đại diện trường đại học tham luận tại hội nghị
Đại diện các cơ sở giáo dục đại học thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục đại học hiện nay; vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bài học kinh nghiệm và giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành...
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên nhìn nhận: Trong bối cảnh đầu tư cho giáo dục đại học còn ít ỏi, nhưng những gì đã làm được có nhiều kết quả tích cực. Về công tác tuyển sinh, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đủ độ tin cậy để các trường đại học xét tuyển, GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, nên quan tâm đến đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số, có những chính sách riêng, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.
PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: Năm 2022, trường đã thử nghiệm phương án tuyển sinh tổng hợp, bao gồm tất cả các tiêu chí. Kết quả cho thấy, phương án tổng hợp này đã tạo ra sự thuận tiện, công bằng cho thí sinh và hiệu quả trong công tác xét tuyển. Nếu như trước đó, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường là 8.500 thí sinh, thì năm nay, con số đã tăng lên 17.200 thí sinh. Hiệu quả của phương án xét tuyển đã giúp thu hút nhiều hơn số lượng thí sinh đăng ký vào trường.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT trao đổi tại hội nghị
Năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, với các tổ hợp được thay đổi so với chương trình cũ, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT mong muốn Bộ GDĐT sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh năm 2025 để các trường chủ động trong công tác xét tuyển.
Liên quan đến 2 ngành học quan trọng là Y khoa và Sư phạm, theo TS Lê Trường Tùng, Bộ GDĐT đã có ngưỡng điểm sàn đảm bảo chất lượng cho 2 ngành này. Tuy nhiên, cần làm sao nâng cao chất lượng đầu vào hơn nữa để đây thực sự là những ngành tinh hoa, vì đầu ra của 2 ngành này rất quan trọng đối với xã hội.
TS Lê Trường Tùng cũng đề xuất cần có chiến lược phát triển các cơ sở giáo dục đại học địa phương, đào tạo nhân lực tại chỗ, đóng góp cho sự phát triển của địa phương và của vùng. Đồng thời, với sự phát triển lớn mạnh của trí tuệ nhân tạo, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần thay đổi cách thức quản lý, dạy học, để thích ứng và phát triển hiệu quả hơn.
Thách thức là cơ hội để giáo dục đại học vượt lên đáp ứng mục tiêu chất lượng
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cơ sở giáo dục đại học, dù trải qua nhiều khó khăn trong những năm qua song với nỗ lực, cố gắng cao độ đã đạt được nhiều kết quả, tạo thêm niềm tin với xã hội, người học và các bên liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị
Nhấn mạnh từ khóa “chất lượng”, Bộ trưởng cho rằng, chất lượng vừa là điểm nhấn, vừa là vấn đề cần bàn, cũng là vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới. “Chúng ta thực hiện và tăng cường tự chủ cũng vì chất lượng, đổi mới cũng vì chất lượng”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng phân tích nhiều thách thức lớn đang đặt ra với giáo dục đại học. Theo đó, thách thức đầu tiên là sự cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với giáo dục đại học. Đó là cạnh tranh trong thu hút giảng viên, thu hút người học, cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội. “Chúng ta chấp nhận cạnh tranh và coi đó là điều đốc thúc chúng ta phát triển, đổi mới, gia tăng chất lượng”.
Thách thức từ sự kỳ vọng, sự giao phó, trông đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, xã hội với giáo dục đại học ngày càng lớn. “Chúng ta được tin tưởng, xác định và định vị là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược, là giải pháp quan trọng giúp bứt phá về kinh tế - xã hội. Kỳ vọng ngày càng lớn là một áp lực”, Bộ trưởng chia sẻ.
Thách thức của việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế có nhiều điểm đặc thù như kinh tế của Việt Nam; thách thức trong cung cấp nhân lực công nghệ cao, gần đây là nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn, cũng là những vấn đề được Bộ trưởng đề cập.
“Năm nay là năm đầu tiên tuyển sinh các ngành trực tiếp liên quan đến công nghệ bán dẫn. Các trường đại học với sự nhạy bén, tinh thần trách nhiệm rất cao đã vào cuộc và các thông tin tuyển sinh năm nay cho thấy rất khả quan”, Bộ trưởng đánh giá, đồng thời cho rằng, nếu giáo dục đại học làm tốt việc cung ứng nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn sẽ xóa được góc nhìn của xã hội là đào tạo không đáp ứng nhu cầu.
Nhắc đến thách thức phải đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng về số lượng và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng; thách thức giữa kỳ vọng và yêu cầu cao, nhưng đầu tư còn rất khiêm tốn, Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh thách thức trực diện trong đẩy mạnh tự chủ thời gian tới, gồm đẩy mạnh chiều sâu của tự chủ và điều chỉnh cả mục tiêu của tự chủ.
Các đại biểu dự hội nghị
“Chúng ta trải qua một giai đoạn triển khai tự chủ đại học, từ thí điểm đến diện rộng. Tự chủ làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta từng bước để tự chủ ngày càng cao hơn, chiều sâu và thực chất hơn. Cùng với đó, bên trong hệ thống cần gia tăng một số “tự”: tự kiểm soát, tự điều tiết, tinh thần tự lực tự cường, tự biết mình ở đâu để tự soi, tự sửa, tự tin hơn để hành động, tự mình từng ngày làm tốt hơn để hướng đến chất lượng cao hơn…”, Bộ trưởng nói.
Về triển khai tự chủ, Bộ trưởng lưu ý các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định nội bộ, quy chế nội bộ. Bộ GDĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc này. Các nhà trường cũng cần xây dựng và hoàn thiện các đề án tự chủ theo quy định mới, tăng cường một số nội dung chủ yếu về vấn đề bộ máy và các yếu tố khác liên quan.
Đối với thách thức tuyển sinh, trong đó có vấn đề xét tuyển sớm, Bộ trưởng chia sẻ: Chúng ta đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông, tạo sự công bằng cho thí sinh trong cơ hội học tập.
“Chúng ta cũng lưu ý không nên quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. Các cơ sở giáo dục đại học có tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Bộ GDĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau”, Bộ trưởng cho biết.
Về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trường sư phạm sẽ sớm được ban hành, triển khai thực hiện quy hoạch có thể có những biến động trong sắp xếp hệ thống các trường, Bộ trưởng mong muốn các trường đại học đón nhận với tinh thần đổi mới và tinh thần trách nhiệm đối với ngành, với xã hội.
“Những thách thức phát sinh trong chính quá trình phát triển, quá trình giáo dục đại học ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Chính những thách thức lớn sẽ là cơ hội để đáp ứng được, thoả mãn được, vượt lên được. Mong tất cả chúng ta, từ Bộ GDĐT, các đơn vị, cho đến cơ sở giáo dục cùng vượt qua và tự mình vượt lên thách thức để đạt tới mục tiêu chất lượng”, Bộ trưởng bày tỏ.
Sớm có hướng dẫn tuyển sinh năm 2025, đảm bảo chất lượng, công bằng
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Hệ thống giáo dục đại học mặc dù còn có nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng, có năng lực thích ứng và tự đổi mới thành công trong giai đoạn vừa qua.
Thứ trưởng nhấn mạnh vấn đề cần lưu tâm trong thời gian tới, đó là các cơ sở giáo dục đại học tập trung chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng”; bởi chỉ có duy trì và nâng cao chất lượng mới tiếp tục nâng cao được số lượng.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận hội nghị
Đánh giá giai đoạn vừa qua, với sự nỗ lực của toàn ngành, quy mô tuyển sinh đã tăng lên, đảm bảo chất lượng, chứng tỏ niềm tin của xã hội đối với giáo dục đại học, Thứ trưởng lưu ý, việc này dứt khoát trong thời gian tới cần duy trì, làm tốt, củng cố và nâng cao chất lượng.
Một số nhiệm vụ cụ thể được Thứ trưởng lưu ý thực hiện trong năm học tới. Đó là tập trung chuẩn bị quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn lãnh đạo chủ chốt trong thời gian tới. Tiếp tục đổi mới quản trị đại học và thực hiện nghiêm quy định của Luật giáo dục đại học.
Cơ sở giáo dục đại học sớm hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu của các trường với cơ sở dữ liệu Hemis của Bộ GDĐT. Thực hiện cập nhật kịp thời, nhất quán, đầy đủ dữ liệu, công việc cụ thể phục vụ thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng. Trong đó cần rà soát, đánh giá lại, đề xuất những điều chỉnh trong Thông tư hướng dẫn, tranh thủ nguồn lực của Đề án 89 để hỗ trợ tối đa các trường đại học trong việc đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ.
“Các trường đại học cần tạo điều kiện tối đa cho giảng viên bằng những giải pháp hỗ trợ cụ thể. Không chỉ là vấn đề thu hút, cạnh tranh trong nước, mà còn phải phát triển, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc, đặc biệt trong những lĩnh vực mà đất nước cần, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghệ bán dẫn…”, Thứ trưởng nêu yêu cầu.
Về công tác tuyển sinh, Thứ trưởng đề nghị Vụ Giáo dục đại học khẩn trương phối hợp để sớm có dự thảo hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng, cũng như công bằng cho thí sinh.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Vụ Giáo dục đại học tiếp tục phối hợp với các trường hoàn thiện chuẩn chương trình đào tạo các lĩnh vực, trình độ đào tạo để sớm ban hành, làm sao để các chuẩn chương trình đào tạo đưa vào các năng lực cốt lõi của người công dân toàn cầu trong tương lai, như: công nghệ số, năng lực tự học, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, Thứ trưởng yêu cầu cần phối hợp truyền thông để xã hội hiểu đúng, hiểu rõ về giáo dục đại học, giải quyết tốt những bức xúc của dư luận xã hội, đặt lợi ích người học lên hàng đầu, định hướng ngành nghề, công tác tuyển sinh và tác động trực tiếp, gián tiếp đến việc dạy và học, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông…
moet.gov.vn