Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, giáo dục quyền con người phải là một việc làm thường xuyên, có cập nhật, bổ sung kiến thức. Trong bối cảnh mới, nhận thức mới, tư duy lý luận về vấn đề quyền con người cũng ngày càng phải được hoàn thiện, nâng cao.
Ngày 19/3 tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Ban điều hành Đề án Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo Công tác thực hiện Đề án, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng ban điều hành Đề án cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025” là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người; đồng thời thực hiện cam kết, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về giáo dục quyền con người.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội nghị |
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người; trang bị kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác thực tiễn của các ban, bộ, ngành, địa phương tham gia vào các hoạt động của Đề án, đặc biệt là cho đội ngũ giáo viên, giảng viên và người học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân và một số lĩnh vực khác.
Các cơ quan tham gia Đề án đã hoàn thành một khối lượng lớn các nhiệm vụ, thông qua nhiều nội dung hoạt động khác nhau, như: xây dựng các văn bản triển khai thực hiện đề án; tổ chức khảo sát thực tế; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn; triển khai các đề tài khoa học; hoàn thiện các khung chương trình đào tạo; tổ chức các hoạt động đối ngoại cũng như biên dịch tài liệu nước ngoài; triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; đặc biệt là đã biên soạn và xuất bản được nhiều ấn phẩm là các sách tham khảo, chuyên khảo, tài liệu hướng dẫn trên lĩnh vực quyền con người… Các sản phẩm của Đề án đã được xã hội hoá đã đến với người học và công chúng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và hiệu quả đào tạo về quyền con người trong các các cơ sở đào tạo ở Việt Nam nói chung, đặc biệt là hoạt động đào tạo cao cấp lý luận chính trị và sau đại học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
|
Triển khai đề án giáo dục về quyền con người (Nguồn: vtvgo.vn) |
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Đề án thời gian qua đã thu hút được sự chú ý của các cơ quan truyền thông, báo chí và công chúng về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về quyền con người, giáo dục quyền con người, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về quyền con người. Thông tin về các hoạt động của Đề án và các nội dung giáo dục quyền con người đã được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, các tạp chí khoa học chuyên ngành, các trang thông tin điện tử cũng như các loại hình truyền thông khác nhau.
Hoạt động của Đề án đã được đưa vào báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam như Báo cáo rà soát định kỳ phổ quát cũng như trong các cuộc đối thoại về quyền con người giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế và quốc gia khác, góp phần tích cực vào công tác đối thoại về quyền con người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế.
Việc tổ chức các chuyến nghiên cứu khảo sát nước ngoài là cơ hội để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về giáo dục quyền con người của Việt Nam. Nhờ đó, thành tựu về giáo dục quyền con người đã lan tỏa tới nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao ở trong và ngoài nước; đã chia sẻ và học tập được nhiều kinh nghiệm, thực tiễn tốt về giáo dục quyền con người ở một số cơ sở giáo dục, đào tạo ở nước ngoài trong khuôn khổ các chuyến đi nghiên cứu, khảo sát thực tế ở nước ngoài của các đoàn công tác của Ban Điều hành Đề án...
|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị |
Tuy nhiên, nhiều nhiệm vụ thuộc trách nhiệm triển khai của các bộ chưa được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Đặc biệt mục tiêu bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, giảng viên, giáo viên và cán bộ cốt cán tham gia biên soạn chương trình giáo dục, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu của từng cấp học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân chưa thực hiện được; Quá trình tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ của Đề án còn lúng túng; sự phối hợp giữa các cơ quan thực hiện Đề án, giữa Ban Điều hành, Tổ thư ký của các cơ quan với nhau cũng như với các đơn vị chức năng của các cơ quan, đơn vị hữu quan chưa chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả...
Tại hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Đề án cần có sự thống nhất trong cách tiếp cận triển khai của các cơ quan tham gia và lưu ý còn 2 năm nữa để thực hiện Đề án. Các cơ quan liên quan cần có sự phối hợp công tác chặt chẽ, có kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong triển khai. Việc xây dựng nội dung chương trình, tài liệu cần phân biệt rõ đào tạo, bồi dưỡng về quyền con người trong các trường chuyên ngành về luật với giáo dục phổ thông cũng như lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Giáo dục quyền con người phải là một việc làm thường xuyên, có cập nhật, bổ sung kiến thức. Trong bối cảnh mới, nhận thức mới, tư duy lý luận về vấn đề quyền con người cũng ngày càng phải được hoàn thiện, nâng cao. Trên cơ sở đó, việc xây dựng chương trình đào tạo, nội dung lồng ghép cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng gắn với thực hành, công việc cụ thể của từng nhóm đối tượng giáo dục.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc triển khai Đề án là bước quan trọng, cần thiết để hệ thống hóa kiến thức phổ quát về quyền con người mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế, góp phần nội luật hóa các quyền con người của Việt Nam.
Nhấn mạnh việc đưa giáo dục quyền con người vào hệ thống quốc dân là một nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, qua đó đảm bảo quyền con người cho tất cả nhóm người trong xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân cần hướng tới hình thành văn hóa tôn trọng pháp luật cũng như giúp mỗi người dân Việt Nam nhận thức được quyền và trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, xã hội; làm rõ bản chất chế độ chính trị và những chủ trương, chính sách bảo vệ quyền con người của của Việt Nam với quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật việc thực hiện quyền con người được nêu trong các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; nghiên cứu xây dựng cuốn cẩm nang về quyền con người để các nhà quản lý, làm chính sách tra cứu, đối chiếu trong xây dựng, thực thi chính sách./.
dangcongsan.vn