Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tại Ngày hội việc làm năm 2024 do nhà trường tổ chức. Ảnh: TG
Đào tạo sát nhu cầu sử dụng
Theo khảo sát đầu ra các ngành nghề của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (bao gồm các ngành trong và ngoài sư phạm) năm 2023, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là 96,1%, TS Phạm Văn Tư - Phó Trưởng khoa Công tác xã hội (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thông tin tại buổi Đối thoại “Tư vấn hướng nghiệp về khối ngành khoa học và xã hội”.
Theo đó, vị trí việc làm của sinh viên sư phạm rất đa dạng như: Giảng viên các trường đại học có ngành Sư phạm/hoặc ngoài Sư phạm; giáo viên phổ thông; Các công việc liên quan đến tư vấn giáo dục… Điều này cho thấy, cơ hội việc làm của sinh viên rộng mở, vượt xa suy nghĩ ban đầu của phụ huynh, học sinh.
Hiện, các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm, TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh. Đơn cử như: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” (Nghị định 116).
Với ngành khác, các trường tự xác định chỉ tiêu đào tạo nhưng riêng ngành Sư phạm phải thực hiện chỉ tiêu do Bộ GD&ĐT đặt ra. Chỉ tiêu này được xác định dựa trên hai yếu tố quan trọng: Nhu cầu sử dụng của địa phương và năng lực đào tạo các trường. Do đó, vấn đề việc làm của ngành Sư phạm sẽ sát nhu cầu sử dụng.
TS Phạm Như Nghệ viện dẫn, chẳng hạn 4 năm nữa, các tỉnh, thành phố cần giáo viên những ngành gì, số lượng bao nhiêu... sẽ báo cáo về Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT mới giao chỉ tiêu đào tạo cho trường. Với cơ chế này, khả năng có việc làm của sinh viên sư phạm rất cao. Bởi chỉ tiêu đào tạo ra sát với nhu cầu sử dụng của địa phương.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Chính trị đã giao các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức bổ sung khoảng 60 nghìn chỉ tiêu biên chế giáo viên đến năm 2026. Đó là chưa kể ở nhiều địa phương còn thiếu trầm trọng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh. Trước tình trạng thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển một số bộ môn, Bộ GD&ĐT phải dự thảo Nghị quyết cho phép các trường phổ thông có thể tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng.
Từ phân tích trên, TS Phạm Như Nghệ nhận định, tỷ lệ có việc làm của sinh viên sư phạm sau khi ra trường rất cao. Mặt khác, theo Nghị định 116, ngoài việc không phải đóng học phí, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng chi trả sinh hoạt phí. Tuy nhiên, sau khi ra trường, các em phải làm trong ngành Giáo dục, nếu không phải bồi hoàn chi phí cho Nhà nước.
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo hồ sơ “Lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018”. Theo đó, Dự thảo đề xuất cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng ở một số môn học cấp tiểu học và THCS, gồm: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).
Theo Bộ GD&ĐT, việc hạ chuẩn đào tạo giáo viên nêu trên nếu được Quốc hội thông qua sẽ không làm phát sinh biên chế, đảm bảo phù hợp với quy định về tinh giản biên chế do việc tuyển dụng sinh viên/giáo viên có trình độ cao đẳng được các địa phương triển khai tuyển dụng trong tổng số biên chế được giao theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương. Dự kiến khi thực hiện chính sách trên, các địa phương sẽ tuyển dụng được khoảng 10 nghìn giáo viên các môn học để thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2023, lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có tỷ lệ thí sinh nhập học là 5,45%, thuộc 10 lĩnh vực có tỷ lệ nhập học cao nhất. Năm 2022, tỷ lệ này là 5,46%.
|