mobile 365 bet Bấm để vào nền tảng giải trí

Rốt ráo tuyển dụng giáo viên
 
Nhiều địa phương tổ chức tuyển dụng giáo viên nhằm đáp ứng nhiệm vụ giáo dục, dạy học năm học 2023 - 2024.
Giờ học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bảo Lâm (Cao Bằng).
Giờ học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bảo Lâm (Cao Bằng).

Có địa phương còn “đặt gạch” tại trường sư phạm để đón lứa sinh viên tích hợp đầu tiên.

Khỏa lấp số giáo viên còn thiếu

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Cao Bằng được giao tuyển dụng hơn 500 giáo viên cho tất cả cấp học. Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc sở GD&ĐT cho biết, kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục khai mạc từ ngày 20/5. Từ hơn 1.100 thí sinh đăng ký dự thi, có 1.104 thí sinh đủ điều kiện tham gia thi vòng 2.

“Đã có kết quả thi vòng 2 của các thí sinh. Sở đang tiến hành các thủ tục theo quy định để công bố danh sách ứng viên trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục. Những giáo viên này sẽ thực hiện nhiệm vụ dạy học ngay trong năm học mới, khỏa lấp phần nào tình trạng thiếu giáo viên kéo dài trên địa bàn thời gian qua, nhất là giáo viên bộ môn Tin học, Tiếng Anh”, ông Dương cho biết.

Trước đó, năm 2022, Cao Bằng cũng tổ chức thi tuyển viên chức ngành Giáo dục, với chỉ tiêu là 519 viên chức. Tuy nhiên, tỉnh này chỉ tuyển được 315 người do không có nguồn. Thống kê đến năm 2023 cho thấy, toàn tỉnh thiếu 527 giáo viên dạy ở các bậc học, tình trạng này trầm trọng hơn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện, Cao Bằng chưa có giáo viên chuyên trách dạy các môn học tích hợp (Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý). Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Dương, thời điểm tỉnh Cao Bằng tổ chức Kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục, sinh viên học các chuyên ngành này chưa ra trường nên tỉnh tạm thời chưa phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng.

UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục công lập năm 2023. Theo đó, chỉ tiêu dự là hơn 1.400 người. Trong đó có 342 giáo viên mầm non, 633 giáo viên tiểu học, 332 giáo viên THCS, giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện 23 chỉ tiêu, các trường THPT công lập 88 chỉ tiêu…

Cô trò Trường THPT Chí Linh (Hải Dương). Ảnh: Sở GD&ĐT

Chú trọng tuyển giáo viên dạy tích hợp

Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho hay, sở cũng tính đến phương án tuyển dụng giáo viên dạy Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. “Chúng tôi đang chỉ đạo cơ sở giáo dục báo cáo nhu cầu số lượng giáo viên các bộ môn, bao gồm hai bộ môn tích hợp để có cơ sở đề xuất chỉ tiêu tuyển dụng cụ thể”, ông Hưng chia sẻ.

Theo thống kê, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ước tính tỉnh Hải Dương cần tuyển hàng trăm giáo viên dạy tích hợp. Tuy nhiên, sở GD&ĐT sẽ cân nhắc, tính toán để tham mưu với lãnh đạo tỉnh có kế hoạch tuyển dụng phù hợp, không làm ảnh hưởng lớn đến đội ngũ giáo viên hiện tại.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương, việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên thuộc các cơ sở giáo dục công lập nhằm tiếp tục bù đắp số chỉ tiêu biên chế được giao. Qua đó chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ sung số lượng còn thiếu, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Giáo dục.

Nếu theo quy chuẩn, tỉnh Bình Dương còn thiếu hơn 3.000 giáo viên. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, UBND tỉnh đã có kế hoạch tuyển dụng viên chức cho cơ sở giáo dục công lập. Riêng đơn vị trực thuộc sở cần tuyển khoảng 200 chỉ tiêu. Sở GD&ĐT Bình Dương đã thông báo tuyển dụng và đang tổng hợp hồ sơ của các ứng viên đăng ký dự tuyển. Các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh cũng triển khai công tác tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục theo phân cấp quản lý.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Bình Dương, sở đã làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh để “đặt hàng” tuyển dụng giáo viên dạy Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Trường này đang đào tạo khoảng 300 sinh viên chuyên ngành trên. Dự kiến năm 2024, số sinh viên này sẽ tốt nghiệp. “Chúng tôi sẵn sàng đón nhận tất cả sinh viên này về Bình Dương để dạy học nếu các em có nhu cầu. Từ giờ đến tháng 8, nếu sinh viên nào kịp ra trường, chúng tôi sẵn sàng tuyển dụng hoặc ký hợp đồng giảng dạy với các em”, ông Phong thông tin.

Ngoài ra, trên cơ sở kết quả sau tuyển dụng, Sở GD&ĐT Bình Dương tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ để tham mưu UBND tỉnh xem xét, chủ trương hợp đồng viên chức còn thiếu theo quy định; tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện các phương án về phân công giáo viên dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian chưa được tuyển dụng đủ số lượng.

Theo thống kê, năm học 2023 - 2024, tỉnh Bình Dương có gần 549.000 học sinh các cấp, tăng xấp xỉ 38.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023, trong đó khối công lập tăng hơn 23.200 học sinh và khối ngoài công lập tăng gần 14.000 em. Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong năm học mới, tỉnh dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 19 công trình trường công lập.

Về vấn đề thiếu giáo viên, ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 - 2026 (năm học 2022 - 2023 tạm giao 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương), Bộ GD&ĐT nhanh chóng triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Bộ cũng đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng số biên chế các môn học ở Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Bộ luôn xác định ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Ngay từ khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Bộ tham mưu Chính phủ hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt, nhằm thu hút học sinh vào học các ngành sư phạm, nhằm bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng theo nhu cầu thực tế của từng địa phương.

giaoducthoidai.vn