Số sinh viên theo học các ngành nông nghiệp đang giảm dần, cứ sau 5 năm lại giảm từ 10-15%.
Tại 50 cơ sở đào tạo đại học về nông nghiệp trên cả nước, một số ngành như khoa học đất, khuyến nông, quản lý và khai thác nguồn lợi thuỷ sản biển đảo; lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng… có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên theo học. Năm 2022, Khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ tuyển sinh được 18 người.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trường và doanh nghiệp đã lần đầu tiên ngồi lại để tìm ra giải pháp. Việc giới hạn không gian và giáo trình nông nghiệp khiến người học có suy nghĩ học nông nghiệp là làm việc ngoài đồng ruộng, chuồng nuôi, vất vả, lương thấp là một nút thắt lớn.
Giải pháp mới được đề xuất đó là các trường mở rộng phối hợp với doanh nghiệp. Lần đầu tiên đã có 60 doanh nghiệp ký hợp tác đào tạo với 18 trường đại học, cao đẳng nông nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để thay đổi tình trạng thiếu thực tiễn của sinh viên khi ra trường, đồng thời thay đổi cái nhìn của người học về ngành học.
Nông nghiệp đã được nhìn nhận là lợi thế quốc gia nhưng thiếu nhân lực chất lượng cao là một sự khập khiễng khiến Việt Nam có thể đánh mất lợi thế. Cấp bách thay đổi và có giải pháp trước khi quá muộn.
vtv.vn