mobile 365 bet Bấm để vào nền tảng giải trí

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và những vấn đề đặt ra trong xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta và nhân loại kho tàng di sản lý luận quý báu; trong đó, có tư tưởng quân sự của Người.

Tư tưởng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân là một bộ phận trọng yếu, gắn bó hữu cơ, hợp thành tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là định hướng xuyên suốt cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng ta vận dụng sáng tạo và đề ra những giải pháp chiến lược cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới năm 1950. (ảnh tư liệu)

Trước hết, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân là: chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân để xây dựng quốc phòng. Đây là luận điểm cách mạng, khoa học quan trọng, xuyên suốt trong tư tưởng của Người về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Xây dựng quốc phòng là yêu cầu khách quan của mọi quốc gia có chủ quyền, trong đó bao hàm cả nước ta. Ngay từ tháng 9/1945, khi chính quyền cách mạng vừa được thiết lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Nước ta mới tranh lại quyền độc lập tự do, nhưng còn phải trải qua nhiều bước khó khăn, để củng cố quyền tự do độc lập đó. Vậy nên quốc dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh vác một vai” [1]. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Người thường xuyên nhắc nhở: “Để ngăn chặn âm mưu của kẻ địch, thì cán bộ, bộ đội và nhân dân ta cần phải luôn luôn nâng cao cảnh giác” [2]; “Phải củng cố lực lượng quốc phòng, giữ gìn trật tự trị an, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi hoạt động khiêu khích và phá hoại của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng” [3]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân để xây dựng nền quốc phòng và chỉ có như vậy, chúng ta mới xây dựng được nền quốc phòng toàn dân vững mạnh cả về tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng và thế trận quốc phòng. Không những thế, đó phải là nền quốc phòng độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, ngày càng hiện đại, có sự gắn kết chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội… đây vừa là mục tiêu, vừa là phương châm xây dựng nền quốc phòng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta. Nền quốc phòng độc lập tự chủ, tức là không bị lệ thuộc vào nhân tố bên ngoài; độc lập nhưng không khép kín, lấy phát huy nội lực là chính; đồng thời, triệt để tận dụng mọi nguồn lực từ bên ngoài để không ngừng nâng cao tiềm lực và sức mạnh quốc phòng. Xây dựng nền quốc phòng là sự nghiệp cao cả của toàn Đảng, toàn dân; trong đó, lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước... Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: nền quốc phòng của nước ta là nền quốc phòng toàn dân. Đó là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ và mang bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; nhiệm vụ của nó không chỉ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà còn bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và cũng không chỉ chống giặc ngoài, mà còn chống cả thù trong. Vì vậy, Người nhấn mạnh: phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện. Nghĩa là nhân dân phải là chủ thể của nền quốc phòng, mọi người dân đều có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia xây dựng nền quốc phòng vững mạnh toàn diện. Tính chất toàn dân và toàn diện quan hệ chặt chẽ với nhau và là cơ sở tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu bảo đảm sự ổn định để phát triển đất nước; đồng thời, sẵn sàng đánh thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân được hình thành trên cơ sở tiếp thu nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng; đồng thời, kế thừa và phát triển lên tầm cao mới truyền thống toàn dân đánh giặc, “trăm họ là binh” của dân tộc ta. Tư tưởng cơ bản này được Người nêu rõ trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: “phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân…” [4]. “Toàn dân” theo tư tưởng của Người là toàn dân tộc, được thể hiện rất rõ trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946): “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” [5]. Thực tiễn khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân luôn thống nhất với quan điểm của Đảng ta và là cơ sở để Đảng ta hoạch định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nội hàm tư tưởng đó của Người gồm những quan điểm cơ bản, đó là: kháng chiến toàn dân - toàn thể nhân dân tham gia kháng chiến; kháng chiến toàn diện - đấu tranh trên tất cả các mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, ngoại giao, binh địch vận…; trường kỳ kháng chiến - đánh lâu dài, thắng địch từng bước, tiến tới giành thắng lợi quyết định; tự lực cánh sinh - dựa vào sức mình là chính. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự lực cánh sinh, Người viết: “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập” [6].

Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có những luận điểm quan trọng khẳng định tính tất yếu phải xây dựng thực lực cách mạng, lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân. Trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta, nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang cách mạng ở nước ta từng bước ra đời, được tổ chức, xây dựng và không ngừng phát triển, lớn mạnh. Đây chính là lực lượng nòng cốt cho toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám và tiếp đó là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Một trong những nét đặc sắc nhất, nổi bật nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh là về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân. Với tư duy quân sự sắc sảo, tầm nhìn chiến lược sâu rộng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân độc đáo, đặc sắc, sáng tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến phương thức tiến hành chiến tranh, phương pháp tác chiến (cách đánh) của lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), với các hình thức (tiến công, phòng ngự); tác chiến ở mọi quy mô (đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ), thực hiện tiêu diệt từng bộ phận quân địch, giành thắng lợi từng bước, tiến tới đánh bại lực lượng lớn quân địch, giành thắng lợi hoàn toàn. Nghệ thuật kết hợp lực, thế, thời, mưu là một nội dung cơ bản trong tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo quan điểm của Người, “lực, thế, thời, mưu” là những nhân tố quan trọng, nếu kết hợp chặt chẽ với nhau có thể sẽ tạo ra khả năng đột biến ở thời điểm quyết định, làm thay đổi cục diện chiến trường, thậm chí cả cuộc chiến tranh. Nghệ thuật “tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu” là nét đặc trưng của nghệ thuật quân sự, được Đảng ta luôn coi trọng vận dụng, phát huy trong các cuộc chiến tranh giải phóng. Gắn liền với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán tư tưởng chiến lược tiến công, “kiên quyết không ngừng thế tiến công”. Tiến công để giành và giữ quyền làm chủ, giành và giữ quyền làm chủ để tiến công địch. Thực hành tiến công địch ở mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi lực lượng và mọi loại vũ khí, trang bị, từ thô sơ đến tương đối hiện đại và hiện đại. Đó là nét độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam - cuộc chiến tranh do toàn dân tiến hành, lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Người luận giải: do lực lượng ta yếu hơn địch nên ta phải tiến công; khi lực lượng ta mạnh hơn địch, ta càng phải tiến công, “quân và dân ta phải luôn gắng sức, luôn tiến công, chỉ có tiến không có thoái”. Trong những trường hợp và thời điểm nhất định, xét về hình thức tác chiến là phòng ngự, nhưng về mặt tư tưởng là tiến công, phải luôn “Giữ thế công mới đánh được giặc, không đánh được trận to thì đánh trận nhỏ” [7].

Cuộc chiến tranh do nhân dân ta tiến hành, dù là chiến tranh giải phóng hay chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống chiến tranh xâm lược, chiến tranh phi nghĩa của các thế lực thù địch là những cuộc đọ sức rất quyết liệt giữa ta và địch trên tất cả các mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự, đối ngoại…; trong đó, đấu tranh vũ trang (quân sự) là đặc trưng, giữ vai trò trực tiếp quyết định. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quy luật của chiến tranh là mạnh được yếu thua, vì thế để giành thắng lợi, xét về tổng thể thì ta phải mạnh hơn địch. Do đó, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mà còn là nhà quân sự thiên tài. Tư chất thiên tài quân sự của Người được hình thành và phát triển trong suốt quá trình hoạt động cách mạng phong phú, trên cơ sở tiếp thu học thuyết quân sự Mác - Lê-nin, truyền thống quân sự đặc sắc của dân tộc ta và tinh hoa quân sự thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự, quốc phòng, mà cốt lõi là về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là tài sản vô giá của Đảng ta, nhân dân ta và dân tộc ta. Trước yêu cầu cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tư tưởng đó của Người cần tiếp tục được quán triệt, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn; nhất là trong xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới. Để việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vào xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam một cách hiệu quả, cần tập trung giải quyết tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, nhận thức đúng giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trong quá trình xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân đã được khẳng định ở cả góc độ lý luận và thực tiễn. Nó có ý nghĩa, vai trò vô cùng to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung và xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới nói riêng. Do đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược thuộc cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng không những nhận thức đầy đủ, sâu sắc giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự, quốc phòng, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, mà còn phải nắm vững nội hàm tư tưởng cách mạng của Người. Chỉ có như vậy, việc vận dụng tư tưởng của Người trong xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Cần phải thấy rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân có nội dung rộng, gồm những vấn đề lý luận cơ bản, toàn diện và mang tính xuyên suốt sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đó của Người luôn nhất quán với quan điểm của Đảng và là cơ sở để Đảng ta nghiên cứu, hoạch định đường lối chính trị, đường lối quân sự trong từng giai đoạn cách mạng. Mặc dù những luận điểm về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, nhất là những vấn đề về xây dựng thực lực cách mạng, lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân, nghệ thuật quân sự, xây dựng căn cứ địa cách mạng, hậu phương chiến lược… mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra cách đây đã nhiều năm nhưng không hề cũ, không bị phai nhạt bởi thời gian; trái lại, nó không những có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn trong thời kỳ đó, mà còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta hiện nay. Đặc biệt, nội dung tư tưởng đó của Người cũng là những nội dung cơ bản của Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới. Vì vậy, trong quá trình xây dựng hai chiến lược này, nhất thiết phải nhận thức đầy đủ giá trị, nắm vững nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân để vận dụng, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, nhằm xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam đảm bảo chất lượng, đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Hai là, nắm vững định hướng cơ bản của Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trước bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nên nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những nước lớn đã và đang triển khai xây dựng chiến lược toàn cầu và chiến lược an ninh quốc gia, nhằm bảo đảm sự chủ động về chiến lược trong tình hình mới. Điều đó cho thấy sự cần thiết cũng như tầm quan trọng của các chiến lược quốc gia về lĩnh vực quốc phòng, an ninh đối với mỗi nước.

Đối với nước ta, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo sát sao đối với việc xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới. Báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng xác định: “Khẩn trương chỉ đạo xây dựng và ban hành các chiến lược quốc gia: Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược An ninh và các chiến lược chuyên ngành khác” [8]. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Quốc phòng đã chủ trì nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo khoa học, cho đến nay đã dự thảo lần thứ 9 Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới. Để hoàn thành hai chiến lược này đảm bảo chất lượng, đòi hỏi phải phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trước hết và trực tiếp là của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng - cơ quan chủ thể soạn thảo. Đặc biệt, phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và nắm vững định hướng cơ bản của các chiến lược; thấu suốt quan điểm xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam là công việc hệ trọng của quốc gia, có nội hàm rất rộng, liên quan đến mọi ngành, mọi cấp, mọi tổ chức, lực lượng… nên không thể thực hiện một cách qua loa, giản đơn, thiếu cơ sở khoa học và hoàn thành trong “một sớm một chiều”. Trước hết, cần nắm vững Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia trong từng thời kỳ bằng sức mạnh tổng hợp, với sức mạnh quốc phòng là đặc trưng, sức mạnh quân sự là cốt lõi. Trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa quân sự với chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, đối ngoại… để thực hiện mục tiêu giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới; trong đó, mục tiêu quan trọng hàng đầu là ngăn chặn, đẩy lùi và sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc...” [9]. Chiến lược Quốc phòng tối ưu là chiến lược giữ nước và bảo vệ chế độ từ sớm, từ xa bằng giải pháp phi vũ trang là chủ yếu, mà không cần phải tiến hành chiến tranh, đấu tranh vũ trang hoặc các giải pháp bạo lực khác; có mối quan hệ, gắn bó hữu cơ với Chiến lược An ninh, trên cơ sở quán triệt quan điểm quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân của Đảng.

Chiến lược Quân sự Việt Nam cùng với một số chiến lược chuyên ngành là bộ phận trọng yếu của Chiến lược Quốc phòng; bao hàm tổng thể phương châm, chính sách, sách lược, giải pháp… được hoạch định, nhằm ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang do các thế lực thù địch liều lĩnh tiến hành đối với nước ta. Trọng tâm của Chiến lược Quân sự Việt Nam là nghiên cứu quy luật chiến tranh, các hình thức chiến tranh, các loại hình xung đột vũ trang, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, nghệ thuật quân sự, xác định các biện pháp chuyển đất nước, lực lượng vũ trang từ thời bình sang thời chiến, chuẩn bị chiến trường, xây dựng quyết tâm và kế hoạch tác chiến chiến lược, các loại hình tác chiến chiến lược... Chiến lược Quân sự chỉ đạo nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật; đồng thời, dựa vào kết quả và nguyên lý của nghệ thuật tác chiến chiến dịch, chiến thuật để xem xét, điều chỉnh các vấn đề chiến lược và giải quyết các nhiệm vụ chiến lược.

Ba là, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vào xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, trên cơ sở đường lối chính trị, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, phù hợp với đặc điểm tình hình quốc tế và trong nước thời kỳ mới.

Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân luôn thống nhất với quan điểm, đường lối của Đảng. Những luận điểm mà Người đặt ra là cơ sở quan trọng để Đảng ta hoạch định đường lối, chủ trương, sách lược cách mạng và những vấn đề cụ thể về tổ chức xây dựng thực lực cách mạng, lực lượng vũ trang ba thứ quân, huy động toàn dân tham gia kháng chiến...; đồng thời, làm sáng tỏ đường lối và chỉ đạo thực tiễn, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta đến toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vào xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới phải gắn liền với quán triệt đường lối chính trị, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; đồng thời, phải phù hợp với đặc điểm, tình hình quốc tế và trong nước; trong đó có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đó là cách vận dụng tư tưởng của Người về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vào xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam bảo đảm khoa học, thiết thực và hiệu quả nhất. Nếu xa rời phương pháp tiếp cận đó, việc xây dựng hai chiến lược quan trọng này sẽ không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra và không có ý nghĩa, tác dụng đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột; đồng thời, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, quy mô và bạo loạn, lật đổ của giặc ngoài, thù trong, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặc điểm chung của tình hình thế giới ở mọi giai đoạn là luôn biến động, thay đổi nhanh chóng, khó lường, tác động không nhỏ đến cách mạng nước ta, với cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, cũng phải luôn thấu suốt quan điểm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ vững mục tiêu chiến lược: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là điểm tương đồng quan trọng nhất, cốt yếu nhất giữa tư tưởng của Người và quan điểm của Đảng, nó mang tính xuyên suốt trong tiến trình cách mạng Việt Nam, cả trước đây, hiện nay và sau này. Vì thế, trong quá trình xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, phải quán triệt sâu sắc vấn đề này và lấy đó là cơ sở định hướng nội dung của từng chiến lược.

Bốn là, vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vào việc giải quyết những vấn đề cơ bản của Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam sát với khả năng, thực lực của đất nước.

Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới có nội hàm rộng, gồm nhiều vấn đề lớn, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, liên quan đến nhiều lĩnh vực, mà trực tiếp, quan trọng nhất là lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Vì vậy, cùng với việc nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng, phải căn cứ vào tình hình, khả năng, thực lực của đất nước để nghiên cứu xác định nội dung, những vấn đề cơ bản của chiến lược cho phù hợp với thực tiễn. Tuyệt đối tránh việc xác định nội dung chiến lược một cách chủ quan, duy ý chí, thiếu cơ sở khoa học, thực tiễn, không đảm bảo chất lượng, thiếu tính khả thi. Thực tế, nước ta hiện nay đang tồn tại mâu thuẫn giữa nhu cầu, yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, với khả năng có hạn của nền kinh tế. Đây là “bài toán” không dễ giải.

Nội dung của hai chiến lược có phạm vi đề cập với yêu cầu khác nhau. Chiến lược Quốc phòng Việt Nam có nội dung rộng hơn, chủ yếu là về quốc phòng, quan hệ trực tiếp tới vấn đề bảo vệ Tổ quốc gắn chặt với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; còn nội dung Chiến lược Quân sự Việt Nam có phạm vi hẹp hơn, cụ thể hơn, trọng tâm là về quân sự và hướng vào bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Vì thế, cần xác định mục tiêu (gồm mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể) của từng chiến lược cho phù hợp. Đối với Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, cần tập trung nghiên cứu, đánh giá đúng bối cảnh chiến lược; dự báo đối tượng và tình huống quốc phòng; quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo quốc phòng; phương thức xây dựng, hợp tác, đấu tranh quốc phòng; nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành... Với Chiến lược Quân sự Việt Nam, cần coi trọng nghiên cứu đánh giá đúng môi trường chiến lược; dự báo đối tượng tác chiến, hình thái chiến tranh; chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, tác chiến chiến lược và các loại hình tác chiến chiến lược; tổ chức chiến trường, tổ chức chuẩn bị chiến tranh; tổ chức hiệp đồng tác chiến các cấp; công tác đảng, công tác chính trị trong giai đoạn thời bình, chiến tranh, kết thúc chiến tranh; công tác bảo đảm chiến tranh; tổ chức hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến...

Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vào xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự phải hết sức coi trọng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Đây không những là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà còn là mục tiêu của Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới; đồng thời, thể hiện sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về giữ cho “trong ấm, ngoài êm” và chống “thù trong, giặc ngoài”.

Năm là, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vào việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam phải đồng thời làm phong phú và phát triển tư tưởng cách mạng của Người.

Đây là một trong những yêu cầu quan trọng của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vào việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới, nhằm giải quyết mối quan hệ giữa kế thừa, bảo vệ với phát triển tư tưởng cách mạng của Người. Chúng ta đều biết, tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, tính bền vững rất cao, xuyên suốt thời gian. Những luận điểm về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân là những vấn đề cơ bản, được Người dày công nghiên cứu đúc kết, khái quát, trên cơ sở học thuyết quân sự Mác - Lê-nin, truyền thống quân sự đặc sắc của dân tộc, tinh hoa quân sự thế giới và sự kiểm nghiệm của thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam hết sức phong phú. Vì thế, nó có ý nghĩa vô cùng lớn và mang tính định hướng, chỉ đạo thực tiễn rất cao.

Học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Mặt khác, không phải ngẫu nhiên mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang ra sức tuyên truyền xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy, sự chống phá đó của chúng dù tinh vi đến đâu, xảo quyệt đến mấy cũng chắc chắn sẽ thất bại, bởi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ lâu đã thấm sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Kẻ thù càng phủ nhận, càng chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh quyết liệt bao nhiêu lại càng khẳng định giá trị tư tưởng và tầm vóc vĩ đại của Người bấy nhiêu.

Lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng. Lý luận chỉ đạo thực tiễn, thực tiễn kiểm nghiệm, soi rọi lý luận, thông qua hoạt động thực tiễn làm cho lý luận phong phú, hoàn thiện hơn để trở lại chỉ đạo thực tiễn hiệu quả hơn. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân đã được thực tiễn đấu tranh cách mạng nước ta kiểm nghiệm, khẳng định. Việc vận dụng tư tưởng đó của Người vào việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới là rất cần thiết, quan trọng. Nhưng, chỉ dừng ở đó thôi chưa đủ, mà điều quan trọng là cần phải gắn chặt giữa vận dụng với bảo vệ và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng của Người phong phú, trường tồn cùng dân tộc. Đó là hành động có ý nghĩa thiết thực nhất, thể hiện sự tôn vinh, lòng biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

mod.gov.vn