Tuyên Quang có thể trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa đáng chú ý của cả vùng
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, một trong những nội dung được đại biểu tập trung thảo luận là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, trong đó có nội dung rất mới đó là phát triển công nghiệp văn hóa. Về vấn đề này, PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Tuyên Quang.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn.
P.V: Công nghiệp văn hóa là một nội dung rất mới trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Việc xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Phát triển công nghiệp văn hóa là một xu thế lớn trên thế giới. Đảng và Nhà nước ta đã luôn nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội. Sau khi chú ý đến mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban chấp hành trung ương khóa VIII), Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương khóa XI) đã nhấn mạnh phát triển công nghiệp văn hóa như một nhiệm vụ đột phá trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiếp theo đó, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Như vậy, cả hệ thống chính trị của nước ta đã tập trung vào giải quyết một nút thắt cụ thể trong mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa là phát triển công nghiệp văn hóa (hay công nghiệp sáng tạo).
Công nghiệp văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó yếu tố sáng tạo là then chốt trong việc tạo nên giá trị của các sản phẩm. Ngoài việc tạo ra công ăn việc làm, nhu nhập, các ngành công nghiệp văn hóa được xem là cách các địa phương, như Tuyên Quang chẳng hạn, sử dụng nguồn lực văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, để tạo ra giá trị gia tăng cho các loại sản phẩm, thay đổi hướng sản xuất cũng như tái cơ cấu nền kinh tế, nhờ đó cạnh tranh tốt hơn với các địa phương khác.
P.V: Ông đánh giá thế nào về thực trạng và tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Kể từ sau khi ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã có những chuyển biến tích cực, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng - 3 thành phố được thiết kế để trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Những thành tựu đáng kể như Hà Nội, Hội An, Đà Lạt đã tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, các sự kiện sáng tạo, không gian sáng tạo được nở rộ ở các đô thị, hay sự quan tâm nhiều hơn của xã hội đối với các ngành công nghiệp văn hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm ở các quy mô khác nhau là những ví dụ điển hình như vậy.
Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD”.
Như vậy, chúng ta có thể thấy đóng góp rất lớn của các ngành công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế của đất nước. Điều này cũng rất tương đồng so với xu hướng chung của thế giới. Không những thế, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn tạo điều kiện khai thác những giá trị văn hóa dân tộc, giúp tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về công nghiệp văn hóa.
P.V: Theo ông thì có những rào cản, điểm nghẽn nào đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Thực ra có rất nhiều rào cản đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Trước hết chính là nhận thức của chúng ta về các ngành công nghiệp văn hóa chưa đầy đủ. Chúng ta ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc... là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế thị trường đã thấm sâu vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, thì văn hóa nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hóa của mình.
Thứ hai là thiếu sự phối hợp trong phát triển công nghiệp văn hóa. Đến thời điểm này, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn gặp khó khăn vì chưa thực sự có đầu mối đủ mạnh để định hướng sự phát triển này. Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hiện đang được giao quản lý Nhà nước về công nghiệp văn hóa, chưa đủ tầm với quy mô của lĩnh vực này. Trong 12 ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý 5 ngành gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa. Chúng ta đều biết, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có sự gắn bó với nhau để làm nên sức mạnh tổng hợp cho không chỉ các ngành này, mà còn cả với nền kinh tế của đất nước. Điện ảnh thì có thể tạo ra sự hấp dẫn cho du lịch văn hóa, tạo điều kiện phát triển thời trang, ẩm thực. Du lịch văn hóa lại giúp phát triển các lĩnh vực khác trong xã hội. Vì thế, việc thiếu đầu mối đủ tầm và phối hợp giữa các ngành với nhau khiến việc phát triển công nghiệp văn hóa gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba là giáo dục sáng tạo và kỹ năng kinh doanh. Hệ thống giáo dục của ta có một số điểm chưa tương thích đối với hoạt động đổi mới sáng tạo. Dù có nhiều cải tiến, thay đổi theo hướng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thực hành sáng tạo nhưng vì nhiều lý do, đặc biệt là khối lượng kiến thức cần học quá lớn, khiến cho các môn học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật chưa được coi trọng đúng mức. Không những thế, việc giảng dạy ở các trường nghệ thuật cũng nảy sinh những bất cập trong việc cập nhật với nền kinh tế thị trường. Đó chính là lý do tại sao các môn học về marketing nghệ thuật, kỹ năng kinh doanh, quan hệ công chúng lại nên được xem là những môn học chính ở các trường nghệ thuật (mà hiện nay chúng ta đang rất yếu).
Ngoài ra, những điểm nghẽn về chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như địa vị pháp lý cho các doanh nghiệp sáng tạo, sử dụng đất, thuế, luật về bảo trợ và hiến tặng,... cũng là những rào cản khác khiến các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa thể cất cánh được!
P.V: Công nghiệp văn hóa gồm nhiều lĩnh vực. Vậy ông có thể gợi mở một số vấn đề cần tập trung để tránh đầu tư dàn trải?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam gồm 12 lĩnh vực gồm 1. Quảng cáo; 2. kiến trúc; 3. phần mềm và các trò chơi giải trí; 4. thủ công mỹ nghệ; 5. thiết kế; 6. điện ảnh; 7. xuất bản; 8. thời trang; 9. nghệ thuật biểu diễn; 10. mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; 11. truyền hình và phát thanh; 12. du lịch văn hóa.
Trong Chiến lược, chúng ta xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường; được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng.
Như vậy, ở bình diện chính sách chung, chúng ta cần xác định, phân vai rõ ràng giữa Nhà nước và xã hội, tư nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng Nhà nước làm gì, xã hội, tư nhân làm gì, Nhà nước tạo điều kiện gì để huy động xã hội, tư nhân đầu tư cho các ngành công nghiệp văn hóa.
Ở bình diện các địa phương, dựa trên lợi thế về văn hóa, nguồn lực con người, tài chính và cơ sở hạ tầng, các địa phương sẽ lựa chọn các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp. Tôi cho rằng, đối với các ngành công nghiệp văn hóa, Nhà nước nên tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo điều kiện và môi trường thuận lợi, giữ nhịp, điều tiết thị trường, còn xã hội, tư nhân sẽ đóng vai trò chính trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cụ thể.
P.V: Tuyên Quang là vùng đất đa sắc màu văn hóa với 22 dân tộc anh em, với nhiều tiềm năng về du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng. Liệu đây có phải là dư địa lớn để Tuyên Quang tập trung phát triển cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tuyên Quang có tiềm năng lớn cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa khi đây là vùng đất văn hóa đa dạng và phong phú của 22 dân tộc anh em, nổi tiếng là một địa danh du lịch lịch sử cách mạng, nơi sở hữu những danh lam thắng cảnh độc đáo.
Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, tạo đột phá chiến lược cho Tuyên Quang, chắc chắn chúng ta cần tập trung đến một số lĩnh vực cụ thể để bảo đảm quá trình đầu tư của tỉnh có trọng điểm và tạo điểm nhấn, lan tỏa tác động của các ngành công nghiệp văn hóa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Định vị các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Tuyên Quang, theo tôi, nên tập trung vào việc tận dụng và phát triển các nguồn tài nguyên văn hóa đặc biệt này như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực...
Như vậy, Tuyên Quang cần tạo ra cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư, sáng tạo và phát triển các dự án văn hóa. Đồng thời, cần xây dựng môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm việc cung cấp hỗ trợ tài chính, đào tạo và phát triển nhân lực, đẩy mạnh quảng bá và tiếp thị sản phẩm văn hóa. Cần tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức văn hóa, nghệ thuật, và cộng đồng, để xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa mạnh mẽ và phát triển bền vững.
Tôi cho rằng, định vị các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Tuyên Quang không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử cách mạng, xây dựng danh tiếng và thương hiệu của Tuyên Quang, tạo ra cơ hội việc làm và thu hút du khách.
Cùng với đó, việc xây dựng cơ chế thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Tuyên Quang là một bước quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững và tạo ra sự đa dạng kinh tế của tỉnh. Qua việc tận dụng và phát triển nguồn tài nguyên văn hóa đặc biệt, cung cấp hỗ trợ và khuyến khích đầu tư, sáng tạo, và hợp tác, Tuyên Quang có thể trở thành một trung tâm công nghiệp văn hóa đáng chú ý của cả vùng, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của địa phương và đem lại lợi ích lan tỏa cho đất nước.
P.V: Vậy vấn đề cần làm ngay để có thể khơi thông nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay là gì, thưa ông?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Nhiều bộ phim ra đời như Lật Mặt, Đất rừng phương Nam, Bố già, Mắt biếc... thậm chí có doanh thu hơn hẳn so với những bộ phim bom tấn của Mỹ, nhiều bài hát của Sơn Tùng MTP, Đen Vâu, Hoàng Thùy Linh,... chiếm được cảm tình của khán giả thông qua việc khai thác giá trị văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy sự không bền vững của xu hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam khi nhiều sản phẩm nghệ thuật xuất hiện nhưng chưa tạo thành trào lưu, sớm nở tối tàn, các sự kiện không được tổ chức thường xuyên, không gian sáng tạo xuất hiện nhiều nhưng cũng biến mất nhanh...
Chính vì thế, chúng ta cần khơi thông nguồn lực để phát triển hơn nữa các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chúng ta cần xây dựng và sửa đổi hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành CNVH. Đó có thể là đưa lĩnh vực văn hóa vào luật đầu tư theo đối tác công - tư. Xây dựng luật về hiến tặng và tài trợ để huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa nghệ thuật. Sửa đổi các nghị định về quản lý, sử dụng tài sản công, các cơ chế ưu đãi về đất, thuế và địa vị pháp lý cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tạo ra mạng lưới liên kết giữa các tổ chức văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo, tổ chức các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế cho các ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, ẩm thực để tạo điều kiện quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các ngành CNVH.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
baotuyenquang.com.vn