mobile 365 bet Bấm để vào nền tảng giải trí

Xây dựng đội ngũ trí thức - Đòn bẩy để phát triển
 
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã đặc biệt nhấn mạnh: cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy và hành động theo hướng xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo; có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước. Phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ trí thức chính là đòn bẩy để phát triển quê hương, đất nước.

Hiền tài của quê hương

"Nâng niu từng giọt mồ hôi/Hương chè Ngọc Thúy đời còn truyền lưu", từ lâu đặc sản chè Ngọc Thúy của Hợp tác xã Sử Anh được nhiều người biết đến khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Với mong muốn tạo ra sản phẩm chè có thời gian dài mà vẫn giữ đủ hương vị, anh Nguyễn Công Sử đã lên ý tưởng, nghiên cứu trong một thời gian dài cho ra sản phẩm Trà Ngọc Thúy cấp đông.  

Anh Sử cho biết, cái độc đáo của sản phẩm này là vẫn giữ được 80% dinh dưỡng và hương vị nguyên bản của búp chè tươi; thời hạn sử dụng của trà cấp đông là 3 năm. Hiện thương hiệu Trà Ngọc Thúy cấp đông đã được công nhận OCOP 4 sao. Trung bình mỗi năm hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn chè cấp đông, với giá bán 500.000 đồng/kg,  doanh thu sản phẩm đạt gần 1 tỷ đồng. Có mặt ở nhiều thị trường trong nước, dự kiến sắp tới sẽ được xuất khẩu sang nước ngoài.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang" năm 2023.

Cách làm này góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm chè xứ Tuyên. Với sáng kiến này, anh Sử đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang năm 2021. Anh vinh dự là 1 trong 62 nhà nông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" năm 2022. Vừa qua, anh vinh dự được UBND tỉnh tôn vinh danh hiệu Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang lần thứ nhất, năm 2023.

Thầy thuốc Ưu tú, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Hưng Đạo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những người tiên phong, năng động với nhiều sáng tạo, sáng kiến có đóng góp trong khám chữa bệnh ngành y của tỉnh. Anh thực hiện 7 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng quy trình chẩn đoán và điều trị một số bệnh ngoại khoa đường tiêu hóa thường gặp cho các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc".

Đặc biệt, đề tài khoa học và công nghệ "Nghiên cứu phẫu thuật nội soi viêm phúc mạc ruột thừa bằng phương pháp vô cảm gây tê tủy sống tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa" có ý nghĩa rất lớn, giúp cho ngành y tế của tỉnh có đầy đủ thông tin về phương pháp phẫu thuật nội soi viêm phúc mạc ruột thừa bằng phương pháp gây tê tủy sống. Góp phần nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán và xử lý đối với bệnh viêm ruột thừa cấp, phòng tránh biến chứng viêm phúc mạc ruột thừa cho y tế tuyến cơ sở. Tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật là 100%.

Ông Lê Tiến Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết, thời gian qua, đội ngũ trí thức của tỉnh đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và vận dụng tri thức khoa học và công nghệ vào hoạt động thực tiễn. Góp phần không nhỏ vào phát triển các lĩnh vực, tạo "đòn bẩy" hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, đội ngũ trí thức đã chọn lọc, đưa các giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt, đưa kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất, áp dụng công nghệ 4.0. Đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất tiết kiệm nhiên liệu, đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà... Mỗi sáng kiến không chỉ thể hiện tài năng, năng lực của cá nhân, mà quan trọng hơn là đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Trong 5 năm qua có khoảng 10.000 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công trình nghiên cứu khoa học, cải tiến quy trình công nghệ giúp cải thiện môi trường làm việc, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải phóng sức lao động. Từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mang lại hiệu quả quản lý, tạo nên nhiều mặt hàng, sản phẩm mới đa dạng, đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động... của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động được ứng dụng vào sản xuất, công tác với giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng. 

Đất lành thu hút người tài

Thời gian qua, có nhiều chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài về tỉnh làm việc. Điển hình như: Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Đề án số 05-ĐA/TU ngày 9/7/2021 về thí điểm đổi mới thi tuyển công chức, viên chức tỉnh Tuyên Quang nhằm nâng cao chất lượng, kiểm định chặt chẽ "đầu vào", đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, thống nhất về mặt bằng kiến thức trong tuyển dụng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Quy định về giao việc đột phá, đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. 

Từ năm 2021, có 31 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc và người có trình độ cao được thu hút về công tác tại các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong đó có 3 học sinh giỏi quốc gia, tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Ở lĩnh vực y tế,  từ năm 2020 đến năm nay, toàn tỉnh đã thu hút được trên 40 bác sỹ đa khoa, kỹ thuật viên tốt nghiệp loại khá, giỏi trở lên được đào tạo tại các trường Đại học Y Dược cả nước được phân công đến làm việc tại Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế.

Được hỗ trợ cơ chế chính sách, nhiều tri thức đã lựa chọn quay trở lại Tuyên Quang để khởi nghiệp, sáng tạo, coi đây là đất lành để dừng chân, thỏa sức thể hiện năng lực.

Ngành Y tế tỉnh chú trọng thu hút nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Minh Hoa 

Chàng trai trẻ Hồ Quốc Khánh, sau 2 năm sang Israel và Đan Mạch học hỏi về nông nghiệp công nghệ cao đã quyết định trở về Tuyên Quang lập nghiệp.  Nhờ sự nhiệt tình mang kiến thức phương xa về phục vụ quê nhà, sau hơn 1 năm, anh đã đưa mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Green Farm xã Kháng Nhật (Sơn Dương) đi vào hoạt động. Theo đó, các phần việc nặng nhọc nhất như bón phân, chăm sóc, tưới nước cho cây đã được tự động hóa. Thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều, thiết bị cảm biến nhiệt độ tự động điều chỉnh, điều hòa chế độ tưới để đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Hiện nay, chàng kỹ sư trẻ nghiên cứu thực hiện sản xuất dưa kiếm Nhật bằng công nghệ cao tại 1 số hợp tác xã trong tỉnh.

Hành trình về quê khởi nghiệp của chàng trai Nguyễn Việt Lâm, tổ dân phố Làng Cả, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương), Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm có nhiều gian nan. Anh kỹ sư trẻ từng có công việc ổn định tại Hàn Quốc về quê làm nông nghiệp đã nhận lại không ít những hoài nghi.

Năm 2019, anh Lâm mạnh dạn trình bày Đề án canh tác dưa lưới theo công nghệ cao, sản xuất trong nhà màng tại Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Tuyên Quang". Và anh đã đoạt giải Nhất, đó là tiền đề để anh bứt phá xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của riêng mình. Sau nhiều năm chuyển đổi hướng đầu tư, anh Lâm đã đi vào sản xuất ổn định, sản phẩm dưa lưới của đơn vị ngon, giòn, đẹp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm do anh làm Giám đốc có doanh thu hàng năm ngót nghét tiền tỷ, đồng thời tạo việc làm cho 7 người, chủ yếu là lao động nữ ở địa phương. Hiện Công ty đã liên kết với bốn đơn vị trồng dưa lưới khác tại khu vực phía Bắc từng bước mở rộng quy mô kinh doanh.

Anh vinh dự là 1 trong 32 gương thanh niên tiêu biểu của cả nước đạt giải thưởng Lương Định Của năm 2022. Đây là giải thưởng cao quý của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu, xuất sắc.

"Cứ gõ đi rồi cửa sẽ mở" 

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi thì việc thu hút nhiều tri thức trẻ trở về Tuyên Quang lập nghiệp cũng không tránh khỏi những thách thức, khó khăn.

Đồng chí Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên chia sẻ, huyện chú trọng thực hiện các chủ trương thu hút tri thức trẻ tài năng về quê hương cống hiến tuy nhiên còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân đưa ra nhiều người trẻ vẫn chưa có khát vọng thực sự về quê hương, họ vẫn mong muốn ở lại thành phố lớn làm việc.

Nói về nguyên nhân khó khăn đó, đồng chí Âu Thế Thái, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, so sánh với các tỉnh khác thì chính sách đãi ngộ của tỉnh trong việc thu hút tri thức trẻ về quê hương cống hiến khá hấp dẫn. Tuy nhiên do nhiều người trẻ nhận thấy do điều kiện địa lý, điều kiện làm việc  tại tỉnh chưa phù hợp. Chính sách vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người trẻ. Một số tri thức ở tỉnh khác có đến Tuyên Quang công tác nhưng không được lâu dài.

Còn với người trong cuộc về quê lập nghiệp thì họ nhận định gặp không ít những khó khăn. Tốt nghiệp đại học loại Khá, ngành Báo chí, Nông Cẩm Quỳnh về quê làm nông nghiệp. Quỳnh chia sẻ: "Nhiều người vẫn nghĩ về quê là ít có cơ hội phát triển hơn. Tuổi trẻ thì vẫn muốn thử sức mình ở môi trường rộng lớn hơn".

Anh Vũ Văn Sơn, Giám đốc HTX Minh Phát, xã Phù Lưu (Hàm Yên) điểm ra những bất cập trong quá trình khởi nghiệp, thứ nhất, phải thật cố gắng chia sẻ, làm việc cùng người nông dân để họ thay đổi tư duy làm nông nghiệp chuyên nghiệp. Thứ hai, thiếu vốn. Thứ ba là điều kiện khách quan là ở quê kiến trúc hạ tầng, cơ sở vật chất không thể thuận lợi như thành phố, dẫn đến việc vận chuyển, phân phối hàng hóa cần phải có phương án khắc phục tối ưu. Bên cạnh đó, để tìm được nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn đồng hành cùng như: truyền thông, maketing, hành chính, kế toán... ở quê là rất khó.

Cũng đối mặt với những khó khăn đó, thế nhưng "cứ gõ đi rồi cửa sẽ mở", nhiều trí thức trẻ đã chủ động tiếp cận các nguồn lực, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương; nhất là các nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. 

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đặc biệt nhấn mạnh, cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy và hành động theo hướng: xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo; có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước. 

Tuyên Quang đang tập trung đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo từng giai đoạn và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để Tuyên Quang sớm thực hiện được mục tiêu đề ra, đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.


Đồng chí Hoàng Việt Phương
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Quan tâm hoàn thiện các chính sách thu hút nhân tài

Để thu hút nhân tài về cống hiến xây dựng quê hương, thời gian qua tỉnh đã thường xuyên rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, nhất là thu hút đội ngũ trí thức có trình độ cao về làm việc tại tỉnh. Ngay trong nhiệm kỳ này, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; các Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ... Trong đó có quy định hết sức rõ ràng về các cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài.

Trên cơ sở đó, những nhân tài về công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng các chính sách đã ngộ thỏa đáng, được tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để phát triển và hoàn thiện các năng lực và phẩm chất. Bên cạnh đó những nhân tài cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo sau đại học; hỗ trợ nâng cao trình độ ngoại ngữ; hỗ trợ về lưu trú...


Đồng chí Bùi Minh Hải 
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Tôn vinh trí thức khoa học

Những năm qua, đội ngũ trí thức tỉnh Tuyên Quang không ngừng tăng về số lượng, chất lượng, năng động, sáng tạo trong nghiên cứu, lao động và sản xuất. Hàng năm, đã có hàng trăm đề tài, dự án khoa học và công nghệ, giải pháp sáng tạo, sáng kiến kinh nghiệm do đội ngũ trí thức nghiên cứu, thực hiện được ứng dụng vào thực tế công tác, sản xuất và đời sống, giúp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động tôn vinh trí thức khoa học là một hình thức thi đua yêu nước, có ý nghĩa nhân văn rất lớn, thể hiện sự quan tâm, coi trọng, đãi ngộ của tỉnh đối với trí thức, khích lệ và ghi nhận công lao, những thành tích đã đạt được của trí thức khoa học cho sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, động viên, khuyến khích sự nỗ lực và vươn lên của đội ngũ trí thức để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.


Đồng chí Nguyễn Thị Hằng 
Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Tuyên Quang

Góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy

Trường THPT Chuyên là đơn vị được thụ hưởng từ chính sách thu hút nhân tài ngành giáo dục của UBND tỉnh, của Sở Giáo dục và Đào tạo. Thực tế cho thấy, thời gian qua nhà trường đã được tiếp nhận nhiều thầy cô giáo trẻ là cựu học sinh của trường, tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên, có thành tích trong các cuộc thi chọn học sinh giỏi. Các thầy cô giáo được thu hút tích cực tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại trường, yêu nghề, gắn bó với học sinh. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để các thầy cô giáo trẻ phát huy hết năng lực của mình từ đó có nhiều đóng góp hơn nữa trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục tại nhà trường.


Tiến sĩ Hà Thúy Mai
Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Văn hóa, Du lịch, trường Đại học Tân Trào

Hạnh phúc là được cống hiến cho quê hương

Tôi tốt nghiệp tiến sĩ ngành Quản lý Văn hóa đến nay được 4 năm. Sau khi có bằng tiến sĩ, với khát vọng được cống hiến, xây dựng phát triển trên quê hương Tuyên Quang nên tôi quyết định gắn bó với trường Đại học Tân Trào. Với vai trò là Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Văn hóa, Du lịch tôi cùng các giảng viên của khoa tham gia giảng dạy các lớp du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, tham gia các chương trình tọa đàm về phát triển du lịch, khảo sát các điểm, tuyến du lịch, truyền thông văn hóa, du lịch của tỉnh, các chương trình du lịch do các sở, ngành, của tỉnh tổ chức…. Ngoài việc chú trọng công tác giảng dạy, mời các chuyên gia đầu ngành văn hóa, du lịch cùng tham gia đào tạo cho sinh viên, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tôi còn chủ động kết nối với các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo kiến thức thực tế, tuyển dụng sinh viên của khoa. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là được đóng góp sức mình cho sự phát triển của Tuyên Quang và thấy sinh viên của mình vững vàng chuyên môn nghiệp vụ, giỏi kỹ năng mềm, có được công việc tốt, tiếp tục đóng góp, cống hiến cho xã hội.
 

baotuyenquang.com.vn