Kiến thức thi gồm lớp 11 và 12
Ngày 16/3, Bộ GD&ĐT ra văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT gửi các trường, Sở GD&ĐT. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ 24-28/6. Trong đó, ngày 24/6, họp cán bộ làm công tác coi thi tại điểm thi. Buổi chiều, thí sinh đến phòng thi để làm thủ tục dự thi, đính chính thông tin đăng ký dự thi sai sót (nếu có) và nghe quy chế thi, lịch thi. Ngày 25/6, buổi sáng thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn. Bài thi diễn ra trong thời gian 120 phút. Như đề minh họa môn Ngữ văn trước đó được bộ công bố sẽ bao gồm 2 phần là phần đọc hiểu và phần làm văn. Giáo viên dạy Ngữ văn khuyến cáo, đề bài dài, thời gian 120 phút là rất ít vì thế thí sinh phải cực kỳ tận dụng thời gian mới có thể hoàn thành bài thi. Buổi chiều cùng ngày, thí sinh dự bài thi môn Toán. Bài thi sẽ diễn ra trong thời gian 90 phút với 50 câu hỏi trắc nghiệm kiến thức bao trùm từ lớp 11 đến hết lớp 12 với nhiều dạng Toán khác nhau.
Sáng ngày 26/6, thí sinh làm bài thi tổ hợp KHTN gồm kiến thức 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Mỗi bài thi được làm trong thời gian 50 phút liên tiếp với 40 câu hỏi trắc nghiệm. Buổi chiều, thí sinh thi môn Ngoại ngữ với thời gian làm bài 60 phút.
Buổi sáng ngày 27/6, thí sinh làm bài thi KHXH với 3 môn thi liên tiếp gồm: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Ở bài thi tổ hợp, thí sinh cũng làm bài thi trắc nghiệm trong vòng 50 phút mỗi môn.
Năm nay, kỳ thi tổ chức có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp (KHTN và KHXH). Trong đó, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình GDPT phải dự 4 bài thi gồm 3 bài thi độc lập và 1 bài thi tổ hợp tự chọn. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT chỉ phải làm 3 bài thi gồm Toán, Văn và 1 bài thi tổ hợp tự chọn.
Về hình thức thi, kỳ thi THPT quốc gia năm nay vẫn giữ nguyên như năm ngoái. Kiến thức thi bao gồm kiến thức trong chương trình lớp 12 và một phần không giới hạn lớp 11.
Sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm
Quy chế cũng quy định các đơn vị thống nhất sử dụng hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia và phần mềm chấm thi trắc nghiệm do bộ cung cấp. Sau các buổi thi, các hội đồng thi cập nhật vào phần mềm quản lý thi theo thứ tự.
Về điểm thi, chậm nhất ngày 10/7, các hội đồng thi xuất kết quả chấm thi từ phần mềm hỗ trợ chấm thi ra đĩa lưu trữ. Một đĩa được lưu lại sở theo chế độ bảo và một đĩa được gửi về Cục quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT theo chế độ mật để cập nhật kết quả thi vào phần mềm. Sau khi có kết quả trên phần mềm, địa phương phải đối chiếu, kiểm tra sai sót nếu có mới công bố kết quả thi. Theo quy chế, năm nay, điểm thi sẽ được công bố vào ngày 11/7.
Chậm nhất ngày 15/7, các Sở GD&ĐT cập nhật danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT vào phần mềm quản lý thi và 2 ngày sau đó (tức 17/7), phải công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp để thí sinh được biết.
Theo Tiền Phong